Thủ tục bảo lãnh người bị tạm giữ
20/09/2017 10:05Thủ tục bảo lãnh người bị tạm giữ ? Cách viết giấy bảo lãnh cho phó thôn và phó bí thư chi đoàn của tôi, giờ bị bắt giữ về tội giữ người trái pháp luật. Hai người này chưa có tiền án tiền sự. Không được trực tiếp giữ người, bắt người. Vì việc giữ người trái pháp luật này là của tập thể ( cả làng ) giữ . yêu cầu chủ tịch UBND Xã trả lời về phóng sự được đưa tin hôm trước đó có phải là mình được thông tin không. Sau thời gian quanh co chủ tịch không trả lời được thì cả làng người ta giữ lại. Nhưng giờ cơ quan csđt khởi tố vụ án lại giữ mỗi 2 người dân của tôi. Tôi viết vào đây mong luật sư tư vấn giúp và kết hợp làm giấy bảo lãnh cho điều tra tại ngoại.
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội sẽ tư vấn cho bạn như sau:
Theo thông tin bạn cung cấp, hai đồng chí phó thôn và phó bí thư chi đoàn đang bị cơ quan điều tra bắt giữ. Trường hợp công an bắt giữ người là có căn cứ và để phục vụ để điều tra. Nên nếu như bạn muốn bảo lãnh trong trường hợp này, thì cần căn cứ theo quy định tại Điều 92, Bộ Luật Tố tụng hình sự 2003 về Bảo lĩnh:
“1. Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh.
2. Cá nhân có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ. Trong trường hợp này thì ít nhất phải có hai người. Tổ chức có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là thành viên của tổ chức của mình. Khi nhận bảo lĩnh, cá nhân hoặc tổ chức phải làm giấy cam đoan không để bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội và bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Toà án. Khi làm giấy cam đoan, cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lĩnh được thông báo về những tình tiết của vụ án có liên quan đến việc nhận bảo lĩnh.
3. Những người quy định tại khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà có quyền ra quyết định về việc bảo lĩnh.
4. Cá nhân nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo phải là người có tư cách, phẩm chất tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Việc bảo lĩnh phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc. Đối với tổ chức nhận bảo lĩnh thì việc bảo lĩnh phải có xác nhận của người đứng đầu tổ chức.
5. Cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lĩnh vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan phải chịu trách nhiệm về nghĩa vụ đã cam đoan và trong trường hợp này bị can, bị cáo được nhận bảo lĩnh sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.”
Căn cứ quy định trên thì tùy vào giai đoạn điều tra, truy tố hoặc xét xử mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho bị can, bị cáo được bảo lĩnh.
Đối với trường hợp xin được bảo lĩnh trong giai đoạn điều tra thì, việc có được bảo lĩnh hay không còn tùy thuộc vào quyết định của cơ quan có thẩm quyền, cụ thể trong giai đoạn này là Cơ quan điều tra, Viện Kiểm Sát. Thủ trưởng Cơ quan điều tra căn cứ vào tính chất và mức độ phạm tội để ra quyết định về việc có hay không được bảo lĩnh.
Bạn cần phải có ít nhất hai người (đáp ứng các điều kiện trên) làm đơn xin bảo lĩnh cho họ tại ngoại, đơn này phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, sau đó gửi đến Cơ quan điều tra để được xem xét giải quyết.
Trên đây là nội dung tư vấn của công ty Luật Bảo Chính cho câu hỏi về “Thủ tục bảo lãnh người bị tạm giữ ?”, cho bạn, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi thông tin về cho chúng tôi để được giải đáp hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn trực tiếp.
Trân trọng!