Thế nào là bị cáo, thế nào là bị can?
12/04/2017 11:18“Chúng tôi đang sống ở CHLB Đức, khi đọc báo thấy hai từ bị cáo, bị can. Hai người này khác nhau thế nào? Tại sao có người bị tạm giam, người không? Trong phiên tòa Năm Cam, tại sao một số người như Phạm Chiến, Trần Hạnh... không mặc áo tù như những người khác?”
Về nội dung bạn thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời cho bạn như sau:
1. Theo Điều 49 Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam, bị can là người đã bị khởi tố về hình sự. Những người này sau quá trình điều tra, truy tố, khi tòa án có quyết định đưa họ ra xét xử thì họ là bị cáo.
2. Theo Điều 88 của luật này, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án, bị can, bị cáo có thể bị bắt tạm giam. Việc tạm giam được áp dụng trong những trường hợp sau đây:
- Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng;
- Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt từ trên 2 năm tù và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử, hoặc có thể tiếp tục phạm tội.
Bị can, bị cáo không bị tạm giam sẽ chịu một trong những biện pháp ngăn chặn khác như: cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh hoặc đặt tiền, tài sản để bảo đảm.
3. Các bị cáo Phạm Sĩ Chiến, Trần Mai Hạnh, Bùi Quốc Huy không bị tạm giam nên vẫn được mặc thường phục. Nếu họ bị tòa án tuyên có tội và phạt án tù giam, và phải chấp hành hình phạt thì họ mới phải mặc quần áo tù.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư bào chữa, luật sư tham gia vụ án hình sự xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.