Thẩm phán nhận thấy hành vi của bị can không cấu thành tội phạm khi chuẩn bị xét xử thì xử lý như thế nào?
06/07/2017 08:55
Thẩm phán thấy hành vi của bị can không cấu thành tội phạm khi chuẩn bị xét xử thì xử lý như thế nào?
A và B bị Viện kiểm sát nhân dân huyện X truy tố về tội trộm cắp tài sản theo khoản 2 Điều 138 BLHS (hình phạt luật định tối đa 7 năm).
1. Khi chuẩn bị xét xử sơ thẩm, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa thấy hành vi của B không cấu thành tội phạm thì phải giải quyết như thế nào? Tại sao?
2. Giả sử tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử nghi ngờ về tính xác thực của giấy khai sinh của B thì phải giải quyết như thế nào?
Xin cảm ơn.
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn cho bạn như sau:
Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa vẫn quyết định đưa vụ án ra xét xử để Hội đồng xét xử quyết định.
Theo quy định tại Điều 180 BLTTHS:
“Thẩm phán ra quyết định tạm đình chỉ vụ án khi có căn cứ quy định tại Điều 160 của Bộ luật này; ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 105 và các điểm 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 107 của Bộ luật này hoặc khi Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên toà.
Trong trường hợp vụ án có nhiều bị can, bị cáo mà căn cứ để tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án không liên quan đến tất cả các bị can, bị cáo thì có thể tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án đối với từng bị can, bị cáo.
Quyết định đình chỉ vụ án phải ghi rõ nội dung theo quy định tại khoản 3 Điều 164 của Bộ luật này.”
2. Nếu tuổi của B có ý nghĩa đối với vụ án thì Hội đồng xét xử yêu cầu điều tra bổ sung hoặc trưng cầu giám định.
- Theo quy định tại khoản 2 Điều 199 BLTTHS: “Quyết định về việc thay đổi thành viên của Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án, người giám định, người phiên dịch, chuyển vụ án, yêu cầu điều tra bổ sung, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án và về việc bắt giam hoặc trả tự do cho bị cáo phải được thảo luận và thông qua tại phòng nghị án và phải được lập thành văn bản.”
- Theo quy định tại khoản 5 Điều 215 BLTTHS: “Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử quyết định giám định bổ sung hoặc giám định lại.”
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi “Thẩm phán thấy hành vi của bị can không cấu thành tội phạm khi chuẩn bị xét xử thì xử lý như thế nào?”, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Trân trọng!”