Sử dụng pháo nổ cho vui bị xử phạt thế nào?
15/02/2017 17:44Trước đây khi chưa bị cấm pháo nổ được nổ pháo thật vui nhưng nay bị cấm rồi, tôi muốn tìm lại cảm giác năm xưa nên muốn mua một ít pháo để sử dụng. Không biết những loại pháo nào bị cấm sử dụng? Nếu dùng loại pháo bị cấm thì bị xử phạt thế nào?
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn. Về nội dung bạn hỏi Công ty luật Bảo Chính tư vấn cho bạn như sau:
Điều 5 Nghị định 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 quy định: các loại pháo, sản phẩm pháo được sử dụng gồm:
- Pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất, nhập khẩu để tổ chức bắn pháo hoa đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
- Pháo hoa do tổ chức, cá nhân nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cho phép và được Bộ Công an cấp giấy phép mang vào Việt Nam để dự thi bắn pháo hoa.
- Pháo hiệu dùng trong các hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, cứu hộ, cứu nạn, giao thông vận tải và hoạt động quân sự.
- Các sản phẩm như: pháo hoa lễ hội bằng giấy (trừ loại hoa có chứa kim loại), pháo điện, pháo trang trí bằng giấy, bằng nhựa, bằng tre, trúc, kim loại; que hương phát sáng; các sản phẩm phát tín hiệu ánh sáng, màu sắc, âm thanh được dùng trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ không gây nên tiếng nổ.
Như vậy, nếu sử dụng các loại pháo, các sản phẩm pháo theo quy định nêu trên thì sẽ không vi phạm pháp luật.
Trường hợp bạn dùng các loại pháo, sản phẩm pháo không đúng quy định của pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bạn có thể bị xử phạt như sau:
Xử phạt vi phạm hành chính: Điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 (Nghị định 167) quy định: hành vi “sử dụng các loại pháo mà không được phép” sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Ngoài ra, điểm d khoản 4 Điều 10 Nghị định 167 còn quy định: nếu bạn có hành vi “sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm” thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Xử phạt hình sự: Người có hành vi đốt pháo nổ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 245 Bộ luật hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (BLHS). Theo đó, hành vi đốt pháo nổ sẽ bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến đến bảy năm, các hành vi tương ứng với mức phạt được quy định cụ thể tại mục 1, mục 2 phần II Thông tư Liên tịch số 06/2008/TTLT giữa Bộ Công an, Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao (TTLT số 06).
Người có hành vi đốt pháo nổ nếu gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh khác như tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội vô ý làm chết người…được quy định trong BLHS tương xứng với hậu quả do hành vi đốt pháo gây ra (mục 3 phần II TTLT số 06).
Ngoài ra, Điều 232 BLHS còn quy định: Nếu có hành vi mua bán trái phép vật liệu nổ thì có thể bị phạt tù từ một năm đến 20 mươi năm hoặc tù chung thân. Người phạm tội trong trường hợp này còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn, chúc bạn mạnh khỏe và thành công!
Công ty luật Bảo Chính!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.