Rủ chung vốn làm ăn rồi không trả tiền có phải là lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không?
10/04/2017 15:37Khi tôi đi làm xa thì vợ tôi ở nhà bị A lừa là chung vốn làm ăn. Vợ tôi đã đưa 110 triệu đồng cho A để góp vốn thực hiện chuyến mua bán đầu tiên (có người làm chứng). A nói là lãi được 300 triệu, nhưng vợ tôi gọi để lấy tiền thì A nói bận về quê nên chưa đưa được. Sau một thời gian điện thoại thì A nói tiền đó mua hàng hết rồi, nhưng mà bị bắt nên mất hết tiền (việc mua hàng lần sau này không có sự bàn bạc với vợ tôi). Giờ tôi có thể kiện A được không?
Cám ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn đến Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội.
Về nội dung bạn quan tâm, Công ty Luật Bảo Chính trả lời cho bạn như sau:
Do các thông tin mà bạn cung cấp không rõ, do vậy, cần phải phân biệt rõ:
1. Trường hợp A có thực hiện việc kinh doanh, vợ bạn giao tiền cho A để góp vốn làm ăn chung:
- Tùy thuộc vào thỏa thuận giữa A và vợ bạn và phụ thuộc vào kết quả thực tế của việc kinh doanh mới có thể xác định được trách nhiệm của A. Nếu thực tế có rủi ro trong kinh doanh và vợ bạn và A có thỏa thuận về việc hưởng lợi nhuận và chia se rủi ro khi kinh doanh thì tranh chấp phát sinh trong trường hợp này là tranh chấp dân sự và vụ việc này sẽ được giải quyết theo thỏa thuận của hai bên; nếu không thỏa thuận được thì sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự.
- Nếu A thực chất có thực hiện kinh doanh và rủ vợ bạn chung vốn, trên cơ sở sự tín nhiệm, vợ bạn giao tiền cho A. Sau khi A có được tiền, A mới xuất hiện hành vi chiếm đoạt tài sản bằng các thủ đoạn bỏ trốn, đánh tráo, không có khả năng hoàn trả vì đã sử dụng vào mục đích bất hợp pháp… thì hành vi này cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 140 của Bộ luật Hình sự.
2. Trường hợp A không kinh doanh, có dấu hiệu lừa vợ bạn để chiếm đoạt tiền thì A sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 của Bộ luật Hình sự. Theo đó, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chỉ cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 khi thủ đoạn gian dối xuất hiện ngay từ đầu, người phạm tội cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm làm cho người khác tin đó là sự thật nhằm chiếm đoạt tài sản (thủ đoạn gian dối xuất hiện trước hành vi chiếm đoạt).
Do vậy, bạn phải thu thập thêm các thông tin cụ thể để xác định được sự việc xảy ra có dấu hiệu gian dối của A hay không. Nếu có, để bảo đảm quyền lợi của mình, vợ bạn nên làm đơn tố giác hành vi của A đến cơ quan Công an. Trên cơ sở đơn tố giác, cơ quan Công an sẽ tiến hành điều tra, xác minh để xác định vụ việc có dấu hiệu hình sự không; nếu có thì sẽ tiến hành khởi tố vụ án.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Bảo Chính về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, bạn hãy gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn!
Chúc bạn may mắn và thành công!
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.