Quy định của pháp luật về áp dụng hình thức bắt buộc chữa bệnh?
06/07/2017 14:36Xin luật sư tư vấn về quy định của pháp luật về áp dụng hình thức bắt buộc chữa bệnh như thế nào? Công ty bà A (Hà Nội) có một nhân viên thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ, có biểu hiện tâm thần không bình thường, gây mất trật tự trong công ty. Công ty đã nhiều lần đề nghị đi khám bệnh nhưng nhân viên này không thực hiện. Bà A hỏi, công ty có thể áp dụng hình thức bắt buộc chữa bệnh và xử lý kỷ luật được nhân viên nêu trên không?( Thach…@gmail.com)
Công ty Luật Bảo Chính tư vấn cho bạn như sau:
Thứ nhất, về việc áp dụng hình thức bắt buộc chữa bệnh đối với nhân viên công ty bà A.
Hiện nay, Bộ luật Hình sự 1999 , Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 , Luật Thi hành án hình sự 2010và Nghị định 64/2011/NĐ-CP ngày 28/7/2011 của Chính phủ có quy định việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh, trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với người bị bắt ở giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong vụ án hình sự.
Điểm b, Khoản 1, Điều 66 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định đối với người bị bệnh tâm thần ở trạng thái kích động, trầm cảm có ý tưởng, hành vi tự sát hoặc gây nguy hiểm cho người khác theo quy định của pháp luật phải áp dụng hình thức bắt buộc chữa bệnh.
Tuy nhiên, đối với người bị nghi là bị bệnh tâm thần, nhưng chưa thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho người khác, cho xã hội như Bộ luật Hình sự quy định, bản thân họ và gia đình không thừa nhận là có bệnh; không tự nguyện đi khám bệnh, chữa bệnh, thì hiện nay chưa thấy có quy định, hướng dẫn cụ thể để thi hành biện pháp bắt buộc khám bệnh, chữa bệnh.
Pháp luật về xử lý vi phạm hành chính quy định người thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong khi đang bị bệnh tâm thần làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình là người không có năng lực trách nhiệm hành chính, do đó không bị xử phạt vi phạm hành chính và không bị áp dụng các biện pháp hành chính.
Pháp luật về lao động cũng không quy định việc xử lý hành vi vi phạm nội quy lao động đối với người bị bệnh tâm thần.
Để khắc phục vấn đề này, khi phát hiện người lao động có dấu hiệu nghi là bị bệnh tâm thần, cán bộ y tế của doanh nghiệp, trưởng phòng ban phân xưởng nơi người đó làm việc cần phải báo cáo với giám đốc, chủ tịch công đoàn cơ sở, phụ trách an toàn lao động biết, để vận động người bị nghi ngờ bị bệnh tâm thần và gia đình họ đưa người đó đi khám bệnh, chữa bệnh. Hoặc, thông qua công tác khám sức khỏe định kỳ của doanh nghiệp, bác sĩ giới thiệu người bị nghi là mắc bệnh tâm thần đi khám chuyên khoa tâm thần, trưng cầu giám định pháp y tâm thần.
Trường hợp có kết luận của tổ chức giám định là người lao động bị bệnh tâm thần thì doanh nghiệp có quyền yêu cầu người lao động đi chữa bệnh, hoặc vận động gia đình đưa họ đi chữa bệnh.
Thứ hai, biện pháp giải quyết khi người lao động mất năng lực hành vi dân sự
Theo Khoản 1 Điều 22 Bộ luật Dân sự năm 2015, khi một người do bị bệnh tâm thần mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, thì theo yêu cầu người có quyền, lợi ích liên quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định.
Điều 376 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
“Người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự.”
Khoản 6, Điều 36 Bộ luật Lao động 2012 quy định:
“Hợp đồng lao động (HĐLĐ) được chấm dứt khi Tòa án tuyên bố người lao động bị mất năng lực hành vi dân sự.”
Khoản 1Điều 38 Bộ luật Lao động quy định, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong trường hợp sau:
- Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ.
- Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo HĐLĐ không xác định thời hạn, đã điều trị 6 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo HĐLĐ xác định thời hạn và quá nửa thời hạn HĐLĐ đối với người làm theo HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.
Như vậy, khi người lao động đã đi chữa bệnh tại các cơ sở y tế chuyên khoa tâm thần mà chưa khỏi bệnh, trở về doanh nghiệp làm việc, nhưng không hoàn thành công việc theo hợp đồng, gây mất trật tự, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, thì đại diện theo pháp luật của công ty có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố người lao động đó mất năng lực hành vi dân sự.
Dựa trên quyết định tuyên bố người lao động đó mất năng lực hàn vi dân sự của Tòa án, công ty có thể chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại Khoản 6, Điều 36 Bộ luật Lao động. Công ty cũng có thể chấm dứt HĐLĐ căn cứ vào việc người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc được giao và thời gian đã nghỉ việc điều trị bệnh nhưng không phục hồi để quyết định đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại Khoản 1, Điều 38 Bộ luật Lao động.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi “Quy định của pháp luật về áp dụng hình thức bắt buộc chữa bệnh”, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Trân trọng!