Phòng vệ chính đáng là gì?
12/04/2017 10:49
Phòng vệ chính đáng là gì?
Quang Tuyến - Hoài Đức Hà Nội
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời thắc mắc của bạn như sau:
Theo quy định tại điều 15 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009, phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm. Như vậy, người có hành vi chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi mình gây ra. Ngược lại nếu hành vi chống trả quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại, vượt quá phòng vệ chính đáng thì phải chịu trách nhiệm hình sự.
Việc đánh giá một hành vi chống trả lại sự xâm hại là phòng vệ chính đáng hay vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là rất phức tạp trong các vụ án cụ thể vì không có một công thức nào đúng cho mọi trường hợp. Để giải thích về các trường hợp phòng vệ chính đáng, hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao ra quyết định số 02/1986 hướng dẫn về vấn đề phòng vệ chính đáng như sau:
– Hành vi xâm hại những lợi ích cần phải bảo vệ phải là hành vi phạm tội hoặc rõ ràng là có tính chất nguy hiểm đáng kể cho xã hội;
– Hành vi nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần phải bảo vệ;
– Phòng vệ chính đáng không chỉ gạt bỏ sự đe doạ, đẩy lùi sự tấn công, mà còn có thể tích cực chống lại sự xâm hại, gây thiệt hại cho chính người xâm hại;
– Hành vi phòng vệ phải cần thiết với hành vi xâm hại, tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại.
Cần thiết không có nghĩa là thiệt hại do người phòng vệ gây ra cho người xâm hại phải ngang bằng hoặc nhỏ hơn thiệt hại do người xâm hại đe doạ gây ra hoặc đã gây ra cho người phòng vệ.
Để xem xét hành vi chống trả có cần thiết hay không, có rõ ràng là quá đáng hay không, thì phải xem xét toàn diện những tình tiết có liên quan đến hành vi xâm hại và hành vi phòng vệ như: khách thể cần bảo vệ; mức độ thiệt hại do hành vi xâm hại có thể gây ra hoặc đã gây ra và do hành vi phòng vệ gây ra; vũ khí, phương tiện, phương pháp mà hai bên đã sử dụng; nhân thân của người xâm hại; cường độ của sự tấn công và của sự phòng vệ; hoàn cảnh và nơi xẩy ra sự việc v.v… Đồng thời cũng phải chú ý yếu tố tâm lý của người phải phòng vệ có khi không thể có điều kiện để bình tĩnh lựa chọn được chính xác phương pháp, phương tiện chống trả thích hợp, nhất là trong trường hợp họ bị tấn công bất ngờ.
Sau khi đã xem xét một cách đầy đủ, khách quan tất cả các mặt nói trên mà nhận thấy rõ ràng là trong hoàn cảnh sự việc xảy ra, người phòng vệ đã sử dụng những phương tiện, phương pháp rõ ràng quá đáng và đã gây thiệt hại rõ ràng quá mức đối với hành vi xâm hại thì coi hành vi chống trả là không cần thiết và là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Ngược lại, nếu hành vi chống trả là cần thiết thì đó là phòng vệ chính đáng.”
Như vậy, tùy thuộc vào hành vi phòng vệ trong mỗi tình huống khác nhau mà tòa án xem xét hành vi đó có được coi là phòng vệ chính đáng hay không, nếu vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, người thực hiện hành vi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội tương ứng.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp bạn hỏi. Nếu còn vướng mắc bạn vui lòng gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn chi tiết chính xác nhất.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư bào chữa, luật sư tham gia vụ án hình sự xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.