Phân biệt tội giết người và tội cố ý gây thương tích
29/03/2017 10:14Em có 1 tình huống muốn hỏi luật sư như sau: Vì 1 mâu thuẫn rất nhỏ nên A và B đánh nhau, A dùng hung khí nguy hiểm là 1 dao tự chế dài 50cm, B không có vũ khí gì. Sau khi bị đánh B bỏ chạy nhưng A đuổi theo và chém nhiều nhát vào lưng và cổ B, việc đánh nhau có sự giúp sức của C và D. Do thương tích quá nặng nên B phải nhập viện điều trị tuy nhiên B không qua khỏi do nhát chém vào gáy và cột sống quá nặng, vậy A có thể bị truy tố về tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người hay tội giết người ạ?
Về nội dung bạn đang thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời như sau:
Tội giết người được quy định tại Khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự 1999 như sau: Người nào giết người thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. Còn tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người quy định tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật Hình sự 1999: Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác … dẫn đến chết người … thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. Vậy trong trường hợp hành vi của một người dẫn đến hậu quả chết người thì làm sao để biết họ phạm tội giết người theo Điều 93 Bộ luật Hình sự hay phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật Hình sự 1999?
Để phân biệt hai tội này, cần xem xét các dấu hiệu sau:
1. Lỗi của người thực hiện hành vi: Lỗi là thái độ tâm lý bên trong của người phạm đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra.
- Trong trường hợp phạm tội giết người, người thực hiện hành vi có lỗi cố ý đối với hậu quả chết người. Nghĩa là họ nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra và mong muốn hậu quả đó xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc hậu quả đó xảy ra. Sự hình thành ý thức của người có hành vi giết người có thể được biểu hiện theo một trong ba dạng sau:
+) Trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm đến tính mạng người khác, người phạm tội thấy trước được hậu quả chết người tất yếu xảy ra và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra. Biểu hiện ý thức này ra bên ngoài thường được biểu hiện bằng những hành vi như: chuẩn bị hung khí (phương tiện), điều tra theo dõi mọi hoạt động của người định giết, chuẩn bị những điều kiện, thủ đoạn để che giấu tội phạm...
+) Trước khi có hành vi nguy hiểm đến tính mạng người khác, người phạm tội chỉ nhận thức được hậu quả chết người có thể xảy ra chứ không chắc chắn nhất định xảy ra vì người phạm tội chưa tin vào hành vi của mình nhất định sẽ gây ra hậu quả chết người. Bản thân người phạm tội cũng rất mong muốn cho hậu quả xảy ra, nhưng họ lại không tin một cách chắc chắn rằng hậu quả ắt xảy ra.
+) Trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm đến tính mạng của người khác, người phạm tội cũng chỉ thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra tuy không mong muốn hậu quả chết người xảy ra, nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra, hậu quả xảy ra người phạm tội cũng chấp nhận.
- Trong trường hợp phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, người thực hiện hành vi có lỗi vô ý đối với hậu quả chết người xảy ra. Nghĩa là họ thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra, có thể ngăn ngừa được hoặc họ không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó. Đây là trường hợp người phạm tội chỉ cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khoẻ của nạn nhân, nhưng chẳng may nạn nhân bị chết, cái chết của nạn nhân là ngoài ý muốn của người phạm tội. Hậu quả chết người xảy ra là vì những thương tích do hành vi của người phạm tội gây ra.
2. Mục đích của người phạm tội
Mục đích là dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của người phạm tội, là kết quả mà người phạm tội mong muốn có được khi thực hiện hành vi của mình.
- Trong trường hợp người thực hiện hành vi có mục đích rõ ràng là tước đoạt tính mạng con người thì họ phạm tội giết người.
- Trong trường hợp phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, người thực hiện hành vi không có mục đích tước đoạt tính mạng của người khác mà chỉ có mục đích làm người khác bị thương, bị tổn hại về sức khỏe.
Trong trường hợp bạn đã nêu thì về mặt hành vi, A vì 1 xích mích nhỏ mà có hành vi gây hấn với B và hai bên có xảy ra đánh nhau, A dùng dao chém B dẫn đến hậu quả B chết. Về mặt nhận thức, A hoàn toàn có thể nhận thức được 2 điểm: Một là chiếc dao tự chế dài 50cm là 1 hung khí nguy hiểm, có tính sát thương cao nhất là trong trường hợp để tấn công 1 người không có vũ khí tự vệ ; Hai là A hoàn toàn có thể ý thức được vùng gáy, cổ, cột sống là những chổ hiểm trên cơ thể người nhưng vẫn cố ý tấn công vào những chỗ đó. Mặt khác, với 1 xích mích nhỏ giữa 2 người thì sau khi dọa được B bỏ chạy A hoàn toàn có thể dừng việc tấn công lại nhưng A vẫn cố ý bảo D chở mình đuổi theo để chém B.
Vậy có thể khẳng định A đã ý thức dược hành vi của mình có thể gây hậu quả chết người nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi này đến cùng do vậy A có thể phạm phải tội giết người theo điều 93 Bộ luật Hình sự 1999.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn. Nếu còn vướng mắc, bạn có thể tiếp tục thông tin cho chúng tôi để được tư vấn hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Trân trọng.
Gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trong trường hợp quý khách muốn mời luật sư bào chữa, luật sư tham gia vụ án hình sự xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.