Nhận tiền làm từ thiện có vi phạm pháp luật không?
11/04/2017 20:35
Do thường xuyên đi từ thiện nên tôi rất quan tâm đến việc thời gian vừa qua, dư luận bàn tán về việc MC Phan Anh nhận số tiền quyên góp lớn để làm từ thiện, một số người quy kết là MC Phan Anh đã vi phạm pháp luật.
Luật sư cho tôi hỏi: MC Phan Anh có vi phạm pháp luật không? Nhận tiền làm từ thiện có phải đóng thuế thu nhập không? Nếu tội phạm đem tiền phạm tội mà có đi quyên góp thì người nhận có bị truy cứu trách nhiệm không?
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Về nội dung bạn thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời cho bạn như sau:
Trong trường hợp của Phan Anh, là một cá nhân đứng ra tiếp nhận các nguồn từ thiện thì sẽ chịu trách nhiệm về hành vi của mình đối với cá nhân/tổ chức đã gửi tiền, hàng hóa cho mình để đi làm từ thiện. Có thể hiểu là "ủy thác” cho người khác để đi làm việc thiện. Nhưng nếu người nhận gian dối, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng hoặc lợi dụng hoạt động từ thiện để vụ lợi thì có thể bị truy cứu trách nhiệm về hành vi của mình.
Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 15 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP về Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 BLHS 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009:
"1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Về vấn đề đóng thuế thu nhập thì:
Theo quy định tại Điều 3 của Luật Thuế thu nhập cá nhân thì các thu nhập chịu thuế gồm:
"Thu nhập từ kinh doanh; Thu nhập từ tiền lương, tiền công; Thu nhập từ đầu tư vốn; Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; Thu nhập từ trúng thưởng;…”
Đối với trường hợp MC Phan Anh nhận tiền, hàng để làm từ thiện thì đây không phải là thu nhập. Vì đây là nhận tiền, hàng hóa ủng hộ từ mạnh thường quân và sau đó chuyển tiền, hàng hóa này cho người dân vùng lũ… Như vậy, chỉ cần chứng minh số tiền mà mình nhận được đã dùng vào việc làm từ thiện, cứu trợ đồng bào thông qua hóa đơn, chứng từ của việc nhận tiền, nhận hàng của người được làm từ thiện là đủ căn cứ và sẽ không phải đóng thuế thu nhập.
Như vậy, trong trường hợp của Phan Anh, anh nhận tiền của các tổ chức cá nhân để đi làm từ thiện một cách hợp pháp, không có hành vi vi phạm pháp luật thì đây là hành động hoàn toàn hợp pháp và cần được tuyên dương, anh sẽ không phải đóng thuế thu nhập cá nhân hay bất kỳ loại thuế gì.
Trong trường hợp tội phạm đem tiền phạm tội mà có đi quyên góp thì người nhận tùy từng trường hợp mà xác định có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền. Để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền, theo Điều 251 BLHS thì phải chứng minh người phạm tội phải "biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có”.
Theo giải thích từ ngữ quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC thì: "Biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có” là có căn cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội, hoặc có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội.
Vì vậy, nếu cá nhân nhận tài sản từ người khác mà không biết tài sản này là do phạm tội mà có thì không chịu trách nhiệm về tội danh này. Và nghĩa vụ chứng minh là của cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định BLTTHS.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp bạn hỏi. Nếu còn vướng mắc bạn vui lòng gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn chi tiết chính xác nhất.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư bào chữa, luật sư tham gia vụ án hình sự xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.