Người đang có thai phạm tội thì có bị tạm giữ hay không?
06/07/2017 15:39
Người đang có thai thì có bị tạm giữ hay không?
Chiều ngày 22/7/2008, để có tiền mua ma túy, chồng chị Lê Thị N đã chở chị bằng xe máy đến một trạm ATM và bảo chị chờ, nếu thấy người rút tiền nào sơ hở sẽ giật tiền của họ rồi chồng chị sẽ chở đi chạy trốn. Vì thương chồng nên mặc dù đang có thai 6 tháng, chị N vẫn làm theo yêu cầu của anh ta. Khi thấy một phụ nữ trẻ vào rút tiền, chị N đã giật lấy túi xách của họ, trong có 100USD và hơn 700.000 đồng rồi bỏ chạy. Tuy nhiên, ngay lúc đó lực lượng cảnh sát cơ động phát hiện đuổi theo bắt và sau đó vợ chồng chị N còn bị tạm giữ ba ngày, mặc dù họ biết chị N đang có thai 6 tháng. Việc bắt, giữ vợ chồng chị N như vậy có đúng pháp luật không? Họ phạm tội gì và bị xử lý như thế nào?
Xin cảm ơn.
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn cho bạn như sau:
Theo quy định của BLHS thì vợ chồng chị Lê Thị N được xác định là đồng phạm tội cướp giật tài sản (Điều 20 và Điều 136). Với tội này, vợ chồng chị Lê Thị N sẽ bị phạt tù từ một năm đến năm năm. Ngoài ra, vợ chồng chị Lê Thị N còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng. Tuy nhiên, vì chị Lê Thị N là phụ nữ có thai nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ (điểm 1 khoản 1 Điều 46 BLHS).
Điều 79 BLTTHS Việt Nam hiện hành quy định các biện pháp và căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn như sau: “Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội, cũng như khi cần bảo đảm thi hành án, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án trong phạm vi thẩm quyền tố tụng của mình hoặc người có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật này có thể áp dụng một trong những biện pháp ngăn chặn sau đây: bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm.”
Điều 82 BLTTHS Việt Nam hiện hành quy định bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã như sau:
“1. Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt, cũng như người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
2. Khi bắt người phạm tội quả tang hoặc người đang bị truy nã thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt.”
Điều 86 BLTTHS Việt Nam hiện hành quy định tạm giữ như sau:
“1. Tạm giữ có thể được áp dụng đối với những người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.
2. Những người có quyền ra lệnh bắt khẩn cấp quy định tại khoản 2 Điều 81 của Bộ luật này, Chỉ huy trưởng vùng Cảnh sát biển có quyền ra quyết định tạm giữ.
Người thi hành quyết định tạm giữ phải giải thích quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.
3. Trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi ra quyết định tạm giữ, quyết định tạm giữ phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp. Nếu xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ và người ra quyết định tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.
Quyết định tạm giữ phải ghi rõ lý do tạm giữ, ngày hết hạn tạm giữ và phải giao cho người bị tạm giữ một bản.”
Điều 87 BLTTHS Việt Nam hiện hành quy định thời hạn tạm giữ như sau:
“1. Thời hạn tạm giữ không được quá ba ngày, kể từ khi Cơ quan điều tra nhận người bị bắt.
2. Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ, nhưng không quá ba ngày. Trong trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá ba ngày. Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn; trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị gia hạn và tài liệu liên quan đến việc gia hạn tạm giữ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.
3. Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.
4. Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam.”
Căn cứ vào các quy định trên và các tình tiết của vụ án, việc bắt và tạm giữ vợ chồng chị Lê Thị N là đúng, cho dù chị Lê Thị N đang có thai 6 tháng. Việc bắt, tạm giữ vợ chồng chị Lê Thị N thuộc trường hợp bắt người phạm tội quả tang nên bất kỳ người nào cũng có quyền bắt nhằm kịp thời ngăn chặn tội phạm (Điều 79 và Điều 82 BLTTHS). Người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang thì có thể bị tạm giữ. Thời hạn tạm giữ không được quá ba ngày, kể từ khi Cơ quan điều tra nhận người bị bắt (Điều 86 và Điều 87 BLTTHS).
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi “Phân biệt bắt người trong trường hợp khẩn cấp và bắt người phạm tội quả tang”, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Trân trọng!”