Mức án cao nhất đối với tội cướp tài sản của người nước ngoài
11/04/2017 10:49Cho em hỏi người thân em năm nay 20 tuổi, anh ấy có 1 tiền án về tội cướp tài sản và lần này anh ấy lại tái phạm nhưng thực hiện hành vi cướp đối với người nước ngoài. Như vậy mức án cao nhất đối với anh ấy là bao nhiêu năm? Em cám ơn!
Cám ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn đến Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội.
Về nội dung bạn quan tâm, Công ty Luật Bảo Chính trả lời cho bạn như sau
Người thân của bạn đã đủ 18 tuổi, nên phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về hành vi của mình (trừ trường hợp bị mắc các bệnh ảnh hưởng tới khả năng nhận thức và điều khiển hành vi).
Về tội danh của người thân bạn, bạn đã khẳng định là tôi cướp tài sản, nên chúng tôi sẽ dựa vào các quy định của pháp luật về tội danh này để trả lời câu hỏi của bạn như sau:
- Về tính chất của tội phạm:
Khoản 3, Điều 8, Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự) quy định: “Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.”
Tội cướp tài sản theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự thì mức cao nhất của khung hình phạt tối thiểu là 10 năm (tức là trên 7 năm), tối đa là chung thân hoặc tử hình. Do đó, tội phạm này dù được thực hiện dưới bất kỳ hình thức, mức độ nào cũng bị xếp vào tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
- Về tính chất hành vi phạm tội:
Khái niệm về tội cướp tài sản được Bộ luật Hình sự quy định là việc “dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản” (khoản 1 Điều 133). Như vậy, về mặt chủ quan người phạm tội này luôn có mục đích cụ thể chiếm đoạt tài sản người khác, tức là có lỗi cố ý trực tiếp (người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra)
- Về mức độ tái phạm:
Theo thông tin bạn cung cấp, người thân của bạn đã có 1 tiền án về tội cướp tài sản và nay lại tái phạm, chúng tôi có thể hiểu rằng người này chưa được xóa án tích về tội danh cướp tài sản mà đã tiếp tục phạm tội. Như đã phân tích ở trên, tội cướp tài sản là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, với lỗi cố ý trực tiếp. Theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 49 Bộ luật Hình sự thì trường hợp người thân của bạn được coi là tái phạm nguy hiểm vì “đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý”
- Về hình phạt áp dụng:
Điều 133, Bộ luật Hình sự quy định về tội cướp tài sản như sau
“1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.”
Từ những phân tích ở trên, có thể đi đến kết luận là người thân của bạn đã phạm tội cướp tài sản với tình tiết định khung là tái phạm nguy hiểm, tức là đã phạm tội quy định tại khoản 2 Điều 133, Bộ luật Hình sự với khung hình phạt áp dụng cho tội phạm trong trường hợp này là bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. Mức phạt này có thể bị tăng lên, nặng nhất là phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình nếu người phạm tội có các tình tiết định khung khác theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều này. Việc phạm tội với người nước ngoài không là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 48, Bộ luật Hình sự, cũng không phải là tình tiết định khung hình phạt, nên không ảnh hưởng tới mức án của người phạm tội.
Như vậy, với các thông tin mà bạn đã cung cấp, chúng tôi xin trả lời rằng mức án cao nhất mà người thân của bạn có thể bị tuyên phạt là 15 năm tù.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin lưu ý bạn rằng đây chỉ là hình phạt chính, người phạm tội còn có thể phải chịu thêm hình phạt bổ sung theo khoản 5, Điều 133, Bộ luật Hình sự: “bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm”.
Bên cạnh đó, người phạm tội còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại (nếu có) cho người bị hại theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Bảo Chính về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, bạn hãy gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn!
Chúc bạn may mắn và thành công!
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư bào chữa, luật sư tham gia vụ án hình sự xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.