Làm gì để thực hiện việc kháng cáo và Thời điểm nào có thể kháng cáo??
04/07/2017 14:50
Làm gì để thực hiện việc kháng cáo?
Con trai tôi 16 tuổi, trong một lần gây gổ với bạn bè, cháu đã thiếu kiềm chế, dùng dao đâm chết người. Vụ án được đưa ra xét xử, cháu bị Tòa án tuyên phạt 10 năm tù. Tôi nghe nói nếu sau khi xét xử, thấy Tòa tuyên án nặng, thì tôi có quyền làm đơn kháng cáo. Xin giải thích cho tôi được biết:
1. Kháng cáo là gì?
2. Ai có thể thực hiện việc kháng cáo? Tôi có được phép kháng cáo trong trường hợp này hay không?
3. Thời điểm nào có thể kháng cáo?
4. Nếu muốn kháng cáo thì tôi phải làm như thế nào?
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn cho bạn như sau:
Kháng cáo là biểu thị sự bất đồng đối với bản án hoặc quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm nên những người có quyền kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp trên xét xử lại. Kháng cáo cũng đồng nghĩa với chống án mà trước đây và hiện nay một số người vẫn thường dùng. Tuy nhiên, BLTTHS không dùng từ chống án nên trong các văn bản có tính chất pháp lý chỉ sử dụng từ kháng cáo. Có thể hiểu kháng cáo là chống án lên Tòa án cấp trên để được xét xử lại.
2. Theo quy định tại Điều 231 BLTTHS và tại Mục 1 Phần I Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08/12/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ tư “Xét xử phúc thẩm” của BLTTHS, quy định các chủ thể có quyền kháng cáo và giới hạn của việc kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm được xác định như sau:
“1.1. Bị cáo, người đại diện hợp pháp (đại diện theo pháp luật) của bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm.
1.2. Người bào chữa cho bị cáo là người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích cho bị cáo.
1.3. Người bị hại, người đại diện hợp pháp (đại diện theo pháp luật) của người bị hại trong trường hợp người bị hại chết hoặc trong trường hợp người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm theo hướng có lợi cho bị cáo hoặc theo hướng làm xấu hơn tình trạng của bị cáo. Trong trường hợp người bị hại chỉ kháng cáo phần bản án hoặc quyết định sơ thẩm có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại, thì họ có thể uỷ quyền cho người khác. Người được uỷ quyền có các quyền và nghĩa vụ như người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự.
1.4. Trong trường hợp người bị hại chết mà có từ hai người trở lên đều là người đại diện hợp pháp của người bị hại (ví dụ cha, mẹ, vợ và con thành niên của người bị hại) thì phân biệt như sau:
a) Trường hợp trong quá trình điều tra, truy tố hoặc tại phiên toà sơ thẩm những người này đã đồng ý cử một người trong số họ thay mặt họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hợp pháp của người bị hại (sự đồng ý này có thể được thể hiện trong văn bản riêng hoặc trong lời khai của họ), thì sau khi xét xử sơ thẩm những người này vẫn có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm. Việc kháng cáo có thể do từng người thực hiện hoặc có thể cử một người trong số họ thay mặt họ thực hiện.
b) Trường hợp trong quá trình điều tra, truy tố hoặc tại phiên toà sơ thẩm những người này chưa cử ai trong số họ thay mặt họ làm người đại diện hợp pháp của người bị hại, mà người đại diện hợp pháp của người bị hại chỉ do một hoặc một số người trong số họ tự nhận, nếu sau khi xét xử sơ thẩm có người trong số những người chưa cử người đại diện có đơn với nội dung khiếu nại bản án sơ thẩm hoặc xin xét xử phúc thẩm vụ án thì xử lý như sau:
b.1) Nếu nội dung đơn của họ phù hợp với nội dung kháng cáo của người đại diện hợp pháp đã tham gia tố tụng, thì Toà án cấp phúc thẩm chấp nhận để xét xử phúc thẩm theo thủ tục chung;
b.2) Nếu nội dung đơn của họ không phù hợp với nội dung kháng cáo của người đại diện hợp pháp đã tham gia tố tụng hoặc người đại diện hợp pháp đã tham gia tố tụng không kháng cáo và trong vụ án còn có những người tham gia tố tụng khác kháng cáo, Viện kiểm sát kháng nghị, thì khi xét xử phúc thẩm, Toà án cấp phúc thẩm huỷ bản án hoặc quyết định sơ thẩm về phần có liên quan mà họ có khiếu nại hoặc xin xét xử phúc thẩm vụ án để điều tra lại hoặc xét xử sơ thẩm lại do vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng (chưa đưa họ vào tham gia tố tụng khi quyền, lợi ích của họ xung đột với quyền, lợi ích của người đại diện hợp pháp đã tham gia tố tụng);
b.3) Nếu trong vụ án không có ai kháng cáo, Viện kiểm sát không kháng nghị, thì đơn của họ được coi là đơn khiếu nại đối với bản án hoặc quyết định sơ thẩm. Trong trường hợp này bản án hoặc quyết định sơ thẩm sẽ được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm.
1.5. Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ (đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo uỷ quyền) có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định sơ thẩm có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.
1.6. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người đại diện hợp pháp của họ (đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo uỷ quyền) có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định sơ thẩm có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.
1.7. Người bảo vệ quyền lợi của người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định sơ thẩm có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ.
1.8. Người được Toà án tuyên bố là không có tội có quyền kháng cáo phần lý do của bản án sơ thẩm đã tuyên là họ không có tội.
3. Thời hạn kháng cáo.
Theo quy định tại Điều 234 BLTTHS, thời hạn kháng cáo của những người tham gia tố tụng và đại diện hợp pháp cho họ được quy định như sau;
- Đối với những người có mặt tại phiên tòa là 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
- Đối với những người vắng mặt tại phiên tòa là 15 ngày kể từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết.
Căn cứ vào điểm 4.1 Mục 4 Phần I Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08/12/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ tư “Xét xử phúc thẩm” của BLTTHS thì cách tính thời gian kháng cáo được giải thích cụ thể như sau:
“Thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc thời hạn kháng cáo, kháng nghị
a) Thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo, kháng nghị là ngày tiếp theo của ngày được xác định. Ngày được xác định là ngày Toà án tuyên án hoặc ra quyết định trong trường hợp Viện kiểm sát, bị cáo, đương sự có mặt tại phiên toà hoặc là ngày bản án, quyết định được giao hoặc được niêm yết trong trường hợp bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên toà.
b) Thời điểm kết thúc thời hạn kháng cáo, kháng nghị là thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn. Nếu ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần (thứ bảy, chủ nhật) hoặc ngày nghỉ lễ, thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc đầu tiên tiếp theo ngày nghỉ đó. Thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn vào lúc hai mươi tư giờ của ngày đó.
Theo đó, nếu từ ngày Tòa án ra xét xử sơ thẩm tuyên án cho tới nay chưa quá 15 theo hướng dẫn trên thì anh (chị) có quyền kháng cáo. Nếu đã qua 15 kể ngày Tòa tuyên án, Tòa án vẫn có thể tiếp nhận đơn kháng cáo của anh (chị), xét theo quy định tại điểm 5.1, Mục 5 Phần I của Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP quy định: “Việc kháng cáo quá hạn có thể được chấp nhận, nếu có lý do chính đáng. Lý do chính đáng là những trường hợp bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác mà người kháng cáo không thể thực hiện được việc kháng cáo trong thời hạn luật định, ví dụ: do thiên tai, lũ lụt; do ốm đau, tai nạn phải nằm viện điều trị...”.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi Làm gì để thực hiện việc kháng cáo?nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Trân trọng!”