Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xử lý như thế nào?
16/01/2017 15:51
Có người bạn mượn tôi hơn 2 tỷ để mở công ty thời hạn trả tiền là 2 năm. Hết thời hạn 2 năm tôi đòi nhưng bạn tôi không trả đến nay thì bạn tôi đã trốn khỏi nhà. Tôi đã gửi đơn lên xã và Công an kinh tế tỉnh, nhưng không được giải quyết. Cho tôi hỏi:
1. Hành vi của người này sẽ bị xử lý như thế nào?
2. Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết vụ việc này?
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bạn như sau:
1. Về việc truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo quy định tại Điều 140 của Bộ luật hình sự thì người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng trở lên hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản:
Thứ nhất, vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
Thứ hai, vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Trường hợp mà bạn nêu, nếu bạn của bạn có hành vi trốn tránh, bỏ trốn để chiếm đoạt số tiền mà bạn đã cho mượn thì hành vi của người đó đã đủ dấu hiệu cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 140 của Bộ luật hình sự và sẽ phải chịu hình phạt tương ứng quy định tại Điều này.
Theo thông tin mà bạn cung cấp, chỉ tính riêng số tiền mà người này đã chiếm đoạt của bạn đã lên đến 2 tỷ đồng. Đối chiếu với quy định tại Điều 140 của Bộ luật hình sự, người này sẽ bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.
2. Về thẩm quyền giải quyết vụ việc
Theo quy định tại Điều 101 của Bộ luật tố tụng hình sự thì bạn có thể tố giác tội phạm với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan khác, tổ chức. Việc tố giác có thể bằng văn bản hoặc bằng miệng; nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác. Cơ quan, tổ chức khi nhận được tố giác của công dân phải báo tin ngay về tội phạm cho Cơ quan điều tra bằng văn bản. Điều 103 của Bộ luật này quy định rõ nhiệm vụ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Về thẩm quyền điều tra vụ việc, theo quy định tại Điều 110 và Điều 170 của Bộ luật tố tụng hình sự thì:
- Cơ quan điều tra cấp tỉnh có thẩm quyền điều tra các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
- Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về những tội phạm không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp dưới mà mình lấy lên để xét xử. Những vụ án hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng, trừ quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 110 của Bộ luật tố tụng hình sự là những vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe tư vấn trực tiếp từ luật sư khi gọi 19006281.
Trân trọng!