Lãi suất cho vay bao nhiêu thì phạm tội cho vay nặng lãi?
10/04/2017 14:21
Kính chào quý công ty mong anh chị tư vấn giúp đỡ giải đáp một số thắc mắc của tôi về cho vay tiền. Sự việc như sau:
Tôi có cho vợ chồng hàng xóm vay số tiền 40 triệu đồng từ tháng 1 năm ngoái thời hạn vay 3 tháng và lãi xuất 2%/ tháng tới tháng 6 năm ngoái sau nhiều lần đòi tiền thì vợ chồng nhà đó trả 20 triệu và hứa sẽ thu xếp sớm để trả nốt cho tôi tới nay đã hơn 1 năm rồi mà họ ko chịu trả, tôi lên nhà còn nói giấy tờ vay nợ và nói là giấy ko có giá trị và tôi cho vay 2%/ tháng là sai luật và không có giá trị gì cả. Vợ chồng tôi đều là giáo viên nay tôi mong quý công ty giải đáp thắc mắc của tôi về việc này tôi cho vay như vậy có vi phạm pháp luật không? Làm sao để khởi kiện vợ chồng đó để lấy lại tiền? Hành vi của vợ chồng nhà đó, đã đủ cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chưa? Có báo công an hay tòa án được không? Mong quý công ty giúp đỡ! Tôi xin chân thành cảm ơn!
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Về nội dung bạn thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời cho bạn như sau:
Thứ nhất, về mức lãi suất tối đa
Theo thông tin bạn cung cấp bạn cho vay là thời điểm năm ngoái, hiện nay Bộ luật Dân sự mới 2015 mới có hiệu lực từ 01/01/2016 vậy nên trường hợp của bạn mức lãi suất tối đa sẽ áp dụng theo quy định tại Bộ luật Dân sự cũ năm 2005. Mức lãi suất tối đa theo quy định tại Khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự 2005 như sau: "Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”. Theo Quyết định 2868/QĐ-NHNN 29/11/2010 của Ngân hàng Nhà nước, kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2010, lãi suất cơ bản là 9%/ năm.
Như vậy, lãi suất do các bên thỏa thuận sẽ không được vượt quá: 9% x 150% = 13,5%/ năm
Lãi suất cho vay tối đa trung bình một tháng sẽ là: 13,5 :12 = 1,125%/tháng
Trường hợp bạn cho vay 2%/tháng là đã vượt qua mức lãi suất tối đa cho phép.
Về tội cho vay nặng lãi được quy định tại Điều 163 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi năm 2009:
"Điều 163. Tội cho vay lãi nặng
1. Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.
2. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm."
Như vậy, chỉ khi mức lãi suất cao hơn lãi suất cao nhất pháp luật quy định 10 lần trở lên thì mới cầu thành tội cho vay nặng lãi theo pháp luật hình sự. Hiện lãi suất bạn đang cho vay chỉ gấp lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định là 2 : 1,125 = 1,778 lần, cho nên bạn chưa bị cấu thành tội cho vay nặng lãi.
Trường hợp khởi kiện ra tòa án thì pháp luật chỉ bảo vệ quyền lợi của bên cho vay trong phạm vi lãi suất mà pháp luật cho phép. Phần vượt quá lãi suất sẽ không được pháp luật bảo vệ.
Thứ hai, về câu hỏi của bạn hành vi của vợ chồng hàng xóm đã đủ cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chưa
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Khoản 1 Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009:
"Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm."
Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động...
Chiếm đoạt tài sản, được hiểu là hành vi chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình. Đặc điểm của việc chiếm đoạt này là nó gắn liền và có mối quan hệ nhân quả với hành vi dùng thủ đoạn gian dối
Với trường hợp của bạn bên vay không hề có thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả vì vậy chưa cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Như vậy, bạn có thể khởi kiện ra tòa án để đòi lại số tiền cho vay, tuy nhiên bạn chỉ được bảo vệ quyền lợi trong phạm vi lãi suất mà pháp luật cho phép. Phần vượt quá lãi suất sẽ không được pháp luật bảo vệ.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Công ty Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp bạn quan tâm, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn trực tiếp.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.