Hỏi về trách nhiệm pháp lý của người bị tâm thần
04/04/2017 15:16
Chào Luật sư, cho tôi hỏi một vấn đề như sau:
Gia đình tôi có một người anh trai bị bệnh tâm thần, tuy đã được chữa trị ở bệnh viện Chợ Dãy, bệnh viện tâm thần khác ở trong thành phố Hồ chí minh tuy hơi ổn định hơn nhưng cứ trời nắng nóng anh lại không làm chủ được hành vi của mình hành động như thế nào. Ngày hôm qua vào buổi trưa một người đàn ông mặc quân phục công an, đứng ở quán nói chuyện với người em gái tôi, không hiểu vì sao anh trai tôi ( người bị tâm thần) ra chửi bới và đánh người công an kia, người công an tránh người bị ngã nhưng không sao cả, lúc đó cũng đánh lại người anh của tôi, sau đó anh tôi mang xe đạp đi đâu cũng không biết, tầm 3h cùng ngày công an đến nhà tôi yêu cầu bắt anh trai tôi, nhưng anh trai tôi vẫn chưa về vì lấy xe đạp đi đâu tôi cũng không biết, vậy cho tôi hỏi một số nội dung sau:
1. Anh trai tôi bị tâm thần vậy làm sao để chứng minh được
2. Khi anh trai tôi đánh người mặc quân phục kia, tức là công an nhưng đang nói chuyện với em gái tôi vậy có bị coi là chống người thi hành công vụ hay không?
3. Anh trai tôi có bị xử phạt hành chính hay hình sự hay không ?
4. Công an đến nhà tôi như vậy, đợi anh tôi về bắt vậy khi bắt giống tội phạm không vì anh tôi đánh nhưng cũng bị đánh lại mà cũng đâu gây thương tích nào đâu.
5. Công an bị bắt đi liệu có bị đánh không, anh ấy không biết gì cả ?
Mong Luật sư giải đáp thắc mắc giúp tôi để tôi hiểu biết thêm một chút để xử lý chuyện này cho rõ ràng. Tôi cảm ơn!
Về nội dung bạn đang thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời như sau:
Thứ nhất: Để chứng minh người bị tâm thần
Bên gia đình bạn phải làm thủ tục tuyên bố anh trai bạn mất năng lực hành vi dân sự trước đó và đã được tuyên bố theo quy định của pháp luật. Cụ thể theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền làm đơn yêu cầu tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự. Kèm theo đơn yêu cầu phải có kết luận của cơ quan chuyên môn và các chứng cứ khác để chứng minh người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.
Thứ hai: Chống người thi hành công vụ tức là đối tượng tác động của tội phạm này là người đang thi hành công vụ, thông qua việc xâm phạm đến người thi hành công vụ mà xâm phạm đến việc thực hiện nhiệm vụ công. Tuy nhiên như việc anh trình bày thì anh công an đang nói chuyện với em gái anh và không phải đang thực hiện công vụ thì không thể là phạm tội chống người thì hành công vụ.
Thứ ba: Về xử lý vi phạm hành chính
Đối với cá nhân vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm là hành vi vi phạm hành chính phải bị xử phạt hành chính hoặc áp dụng biện pháp hành chính: giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc…Tuy nhiên, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính cũng có quy định người thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình là người không có năng lực trách nhiệm hành chính, theo đó những người này không bị xử phạt vi phạm hành chính và không bị áp dụng các biện pháp hành chính.
Thứ tư: Về xử lý theo pháp luật hình sự
Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS), do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật. Đối với mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật hình sự.
Khoản 1 Điều 13 BLHS quy định, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu
trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Cuối cùng: Hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cá nhân, tổ chức nào có trách nhiệm đưa người tâm thần đi chữa bệnh bắt buộc khi họ chưa có hành vi vi phạm pháp luật Chính quyền, công an địa phương chỉ có thể yêu cầu thân nhân đưa người bệnh vào cơ sở điều trị.
Như vậy, vì không có yếu tố tội phạm cũng như không đủ mức xử phạt hành chính thì cơ quan công an không được bắt giữ hay đánh người anh của anh. Bên công an chỉ được phối hợp với gia đình mang vào cơ sở chữa bệnh
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính về nội dung bạn đang thắc mắc. Nếu còn điều gì chưa rõ, bạn có thể tiếp tục thông tin cho chúng tôi để được giải đáp, hoặc nghe luật sư tư vấn, vui lòng gọi 19006281.
Chúc bạn thành công!
Công ty luật Bảo Chính.
Gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư bào chữa, luật sư tham gia các vụ án hình sự, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ trên.