Hỏi về tội hiếp dâm
05/04/2017 14:12
Chào Luật sư, tôi có một câu hỏi tình huống cần Luật sư tư vấn như sau:
A và B (là nam giới), rủ nhau đi uống rượu. Khi đã ngà ngà say, A và B vào một chòi canh bảo vệ khu nuôi cá nghỉ. Khi đang nghỉ A nhìn thấy chị C đang đi một mình trên quãng đường vắng gần đó. A bàn với B để thực hiện hành vi giao cấu với C. Thực hiện kế hoạch đã bàn, A ra ngoài buông lời trêu ghẹo chị C và dụ chị C vào chòi khu nuôi cá. Vào chòi cá, A, B đòi giao cấu với chị C, chị C không đồng ý và định hô hoán người cứu giúp. Do nơi vắng người qua lại, chị C không dám hô hoán gì. A đã đe doạ nếu không đồng ý sẽ lột hết quần áo của chị C.
Sau đó A đã cởi quần áo chị C, chị C chỉ phản ứng yếu ớt. Sau đó A đè lên người chị C thực hiện hành vi giao cấu. Trong chòi cá chỉ riêng A thực hiện hành vi giao cấu với chị C, còn B chỉ đứng nhìn không nói gì, sau đó đi ra khỏi chòi bảo vệ. Hai ngày sau A, B bị bắt. Hỏi:
1. Nếu khi A thực hiện hành vi giao cấu với chị C, còn B giữ chân tay chị C thì B được coi là người giúp sức, đúng hay sai? Tại sao?
2. Giả sử sau khi bị bắt, A được xác định dương tính với vi rút HIV thì khung hình phạt áp dụng đối với A có thay đổi không? Tại sao?
Về nội dung bạn đang thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời như sau:
1. Nếu khi A thực hiện hành vi giao cấu với chị C, còn B giữ chân tay chị C thì B được coi là người giúp sức, đúng hay sai? Tại sao?
Khẳng định trên là sai, vì những lý do sau:
Đầu tiên, có thể khẳng định, A và B trong trường hợp này là đồng phạm vì đã cố ý cùng thực hiện một tội phạm là tội hiếp dâm đối với chị C, theo đúng như định nghĩa về đồng phạm được quy định tại khoản 1 điều 20 BLHS : “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.” Trong đó cả hai cùng cố ý thực hiện tội hiếp dâm, thể hiện qua việc bàn bạc, phân công hành động từ trước, tới việc B giữ tay chân chị C để A thực hiện hành vi giao cấu với C dễ dàng. Cả A và B đều nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn quyết tâm cùng nhau thực hiện và thực hiện đến cùng, thể hiện qua việc đe dọa và giao cấu với chị C bằng được. Dù phạm tội trong tình trạng không tỉnh táo do say rượu, nhưng không vì thế mà hành vi của A, B được pháp luật cảm thông, vì chính A, B đã đẩy mình đến tình trạng không tỉnh táo để rồi phạm tội.
Trong trường hợp này, cả A và B đều phạm tội hiếp dâm với vai trò là người thực hành bởi lẽ:
Theo khoản 2 Điều 20 BLHS thì “người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm”.Và trong một vụ phạm tội cố ý “có thể có nhiều người cùng tự mình thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm ( CTTP). Trong trường hợp này, không đòi hỏi mỗi người phải thực hiện trọn vẹn hành vi được mô tả trong CTTP mà có thể mỗi người chỉ thực hiện một phần hành vi đó. Nhưng đòi hỏi hành vi tổng hợp của họ phải có đủ dấu hiệu của CTTP.” Trường hợp của A và B trên đây chính là một ví dụ:
Tội phạm mà A và B thực hiện là tội hiếp dâm (Điều 111 BLHS). Theo đó tội hiếp dâm được mô tả trong CTTP là hành vi “dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.” Tù đó suy ra, có hai hành vi khách quan cấu thành tội hiếp dâm, bao gồm:
- Hành vi thứ nhất là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác;
- Hành vi thứ hai là hành vi giao cấu trái ý muốn của nạn nhân.
Thiếu một trong hai hành vi này thì không cấu thành tội hiếp dâm.
Trong tình huống trên, nếu xét riêng rẽ từng hành vi của A và B (A giao cấu trái ý muốn chị C, B giữ chân tay chị C để A thực hiện hành vi giao cấu) thì tội hiếp dâm chưa được cấu thành, chẳng hạn nếu chỉ có hành vi giao cấu của A thì có thể cấu thành tội khác, đó là tội cưỡng dâm; hay giả sử nếu chỉ có hành vi giữ tay chân của B thì chỉ có thể truy cứu TNHS về tội hiếp dâm chưa đạt , nhưng khi tổng hợp lại hai hành vi trên thì đã thể hiện đầy đủ các hành vi được mô tả trong CTTP của tội hiếp dâm. Dù B không thực hiện hành vi giao cấu với chị C, nhưng hành vi của B đã cùng với hành vi của A thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu bắt buộc trong CTTP cơ bản của tội hiếp dâm.
Nói tóm lại B đã thực hiện hành một trong số các hành vi được mô tả trong CTTP mà khi tổng hợp hành vi ấy với hành vi của A đã cấu thành tội hiếp dâm nên cả A và B đều là người thực hành.
B không phải là người giúp sức vì “ Người giúp sức là người tạo ra điều kiện tinh thần hay vật chất cho việc thực hiện tội phạm.” (khoản 2 Điều 20 BLHS). Bởi lẽ hành vi giữu tay chân chị C của B thỏa mãn dấu hiệu về hành vi khách quan trong CTTP của tôi hiếp dâm. Hơn nữa, tội hiếp dâm là tội phạm có chủ thể đặc biệt (là nam giới), B cũng thỏa mãn điều kiện này. Vì thế B phải là người thực hành. Người phạm tội chỉ có thể được coi là người giúp sức nếu người thực hiện hành vi đó là nữ.
2. Giả sử sau khi bị bắt A được xác định dương tính với HIV, thì khung hình phạt áp dụng đối với A có thay đổi không? Vì sao?
Theo khoản 1 điều 111 BLHS quy định “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ, thì bị phạt tù từ 2 năm đến bảy năm”.
Căn cứ vào Điều luật trên ta đã xác định A phạm tội hiếp dâm theo khoản 1 điều 111. Và ở khoản 2 và 3 điều 111 là khoản quy định về cấu thành tăng nặng của tội hiếp dâm. Tại điểm b khoản 3 điều 111 có quy định tình tiết người phạm tội “biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội” thì khung hình phạt sẽ nặng hơn rất nhiều so với tội phạm được xác định ở khoản 1 điều 111 BLHS
A sau khi bị bắt được xác định dương tính với HIV có nghĩa là A đã bị nhiễm virut HIV từ trước khi phạm tội tức là khi giao cấu với chị C thì trong người A đã mang mầm bệnh HIV và khả năng lây truyền HIV cho chị H là rất cao. Vấn đề cần lưu ý ở đây là phải xác định được khi thực hiện tội phạm A đã biết mình đang bị nhiễm HIV hay chưa? Bởi vì khi xác định được ý chí hay lỗi của chủ thể thực hiện tội phạm thì có thể xác định được mức nguy hiểm của tội phạm đối với xã hội và qua đó xác định được khung hình phạt để chừng phạt phù hợp người phạm tội về tội phạm mà mình thực hiện như trong nhiều điều khoản c ủa BLHSđều quy định rõ ràng về mức độ lỗi khi thực hiện tội phạm và khung hình phạt được xác định dựa trên đó
Ở trường hợp của A. Nếu như cơ quan pháp luật chứng minh được là A đã biết được mình bị nhiễm HIV trước khi thực hiện tội phạm và hiển nhiên là khi A biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn có hành vi hiếp dâm chị A là A cố ý lây nhiễm nguồn bệnh này cho C. như vậy thì tội danh của A được xác định sẽ là khoản 3 điều 111 chứ không phải là khoản 1 như ban đầu chúng ta đã xác định vì tình tiết cố tình lây nhiễm HIV là một tình tiết tăng nặng của tội phạm hiếp dâm và độ nguy hiểm của tội phạm này sẽ cao hơn rất nhiều so với hiếp dâm xác định theo cấu thành thông thường. Mức hình phạt ở khoản 3 điều 111:
“ 3.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a. Gây tổn hại sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên;
b. Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
c. Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.”
Như vậy tội phạm thuộc khoản 3 là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng chứ không còn tội nghiêm trọng như ở khoản 1 nữa. Do đó việc xác định A đã biết mình bị nhiễm HIV trước khi thực hiện tội phạm hay chưa là một việc rất quan trọng vì qua đó có thể xác định được đúng tội phạm tránh trường hợp bỏ lọt tội phạm cũng như là làm oan người vô tội.
Nếu như A được xác định là chưa biết việc mình bị nhiễm HIV trước khi thực hiện tội phạm thì tội phạm A thực hiện sẽ không thuộc khoản 3 điều 111 vì ở đây quy định rõ là người phạm tội phải biết mình nhiễm HIV mà vẫn phạm tội thì mới cấu thành tội phạm ở khoản này còn trường hợp không biết mình đang bị nhiễm HIV khi thực hiện tội phạm thì A sẽ chỉ bị định tội theo khoản 1 điều 111 khung hình phạt chỉ “từ hai năm tù đến bảy năm tù”
Do đó trong trường hợp này khung hình phạt áp dụng đối với A có thay đổi hay không sẽ phụ thuộc vào việc cơ quan pháp luật có chứng minh được rằng A đã biết mình bị nhiễm HIV khi thực hiện tội phạm hay không và đương nhiên là khi chứng minh được A biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội thì khung hình phạt đối với A sẽ thay đổi theo hướng tăng nặng.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính về nội dung bạn đang thắc mắc. Nếu còn điều gì chưa rõ, bạn có thể tiếp tục thông tin cho chúng tôi để được giải đáp, hoặc nghe luật sư tư vấn, vui lòng gọi 19006281.
Chúc bạn thành công!
Gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư bào chữa, luật sư tham gia các vụ án hình sự, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ trên.