Hỏi về sự việc đánh người gây thương tích
31/03/2017 12:01
Em trai tôi cùng hai đứa em họ mở quán nước bán ở vỉa hè. Hôm khai trương bạn bè của em trai tôi có đến ủng hộ khá đông (khoảng 15 bạn), ở gần đó cũng có một người thanh niên khác bán hàng như vậy. Anh thanh niên đó sinh lòng ganh tị nên đã gây gổ, to tiếng với mấy em tôi. Đến tối trong khi mấy em đang ngồi thì anh ta lại đến, mang theo một cây mã tấu, to tiếng với mấy em rồi lao vào chém một trong số các bạn của em trai tôi, nhưng rất may em ấy tránh kịp.
Sau đó em tôi đã với lấy hai cây mã tấu của em để sẵn dưới bàn (em đã về nhà bạn lấy từ trước) rồi em cùng bạn chém liên tục vào cánh tay của anh ta làm anh ta ngất xỉu rồi bỏ chạy bằng xe máy của bạn mình. Công an đã bắt em tôi và các bạn, hai chiếc xe máy cũng được đưa về đồn.
Bây giờ người thanh niên ấy đã hồi phục sức khỏe và xuất viện, tỉ lệ thương tật trong vòng 20%. Quý luật sư vui lòng cho tôi hỏi: Nếu bây giờ gia đình tôi xin đền bù tiền viện phí và thuốc thang cho bên bị hại, mình thuyết phục người ta không kiện em của tôi thì liệu em ấy có tránh được án tù không, nếu có ở tù thì khoảng bao lâu? Xe mấy em kia mình có quyền xin lại không? Nếu có thì thủ tục và điều kiện như thế nào? Còn nữa, gia đình tôi muốn gặp gia đình bị hại để thăm người ta và thương lượng, luật pháp có cho phép điều đó không?
1. Người bị hại rút đơn yêu cầu thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Mặc dù người có lỗi trước, người gây chiến trước không phải là em bạn nhưng hành vi của em bạn không thể coi là phòng vệ chính đáng bởi so sánh tương quan về số lượng người, vũ khí thì mức độ gây án của em bạn đều vượt quá so với hành vi gây án của người thanh niên đã gây án trước.
Căn cứ vào hành vi vào hậu quả (gây thương tật cho người khác 20%, dùng hung khí nguy hiểm) mà em bạn gây ra, em bạn đã phạm tội Cố ý gây thương tích theo Điều 104 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009, cụ thể là tại khoản 2 Điều này:
“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.”
Theo điểm a Khoản 1 Điều 164 và Khoản 2 Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự 2004, trong trường hợp phải có đơn yêu cầu của người bị hại cơ quan điều tra mới được khởi tố án, mà người bị hại rút đơn yêu cầu thì phải đình chỉ điều tra. Các trường hợp đó phải thuộc “khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự”.
Tuy nhiên, trong trường hợp của em bạn, bởi em bạn phạm tội thuộc khoản 2 Điều 104 nên không thuộc trường hợp phải đình chỉ điều tra khi người bị hại rút đơn yêu cầu, do đó, em bạn vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự bình thường.
2. Phương tiện bị cơ quan công an thu giữ có được lấy lại không?
Điều 74 Bộ luật tố tụng hình sự 2004, “Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm cũng như tiền bạc và vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội”. Nếu như tài sản của em bạn không phải là vật có những đặc điểm này thì không phải là vật chứng. Khi đó, bạn có quyền yêu cầu cơ quan điều tra trả lại tài sản cho bạn vì đó không phải là vật chứng.
Trong trường hợp tài sản của bạn là vật chứng thì việc xử lý vật chứng giải quyết như sau (Điều 76 BLTTHS 2004):
“1. Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Toà án hoặc Hội đồng xét xử quyết định ở giai đoạn xét xử. Việc thi hành các quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.
2. Vật chứng được xử lý như sau:
a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm lưu hành thì bị tịch thu, sung quỹ Nhà nước hoặc tiêu huỷ;
b) Vật chứng là những vật, tiền bạc thuộc sở hữu của Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội thì trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp; trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì sung quỹ Nhà nước;
c) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu sung quỹ Nhà nước;
d) Vật chứng là hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật;
đ) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu huỷ.”
Như vậy, tài sản là vật chứng chỉ được trả lại khi vụ án bị đình chỉ hoặc vụ án đã được giải quyết.
Tuy nhiên, trong trường hợp tại Điểm b Khoản 2 Điều 76 BLTTHS ở trên (tức là tài sản không thuộc sở hữu của người phạm tội) thì cơ quan có thẩm quyền (Cơ quan điều tra trong giai đoạn điều tra, Viện kiểm sát trong giai đoạn truy tố, Tòa án trong giai đoạn xét xử) có quyền quyết định trả lại những vật chứng bất cứ lúc nào cho bạn nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án (Khoản 3 Điều 76 BLTTHS).
Trường hợp này của bạn, để lấy lại tài sản của mình, bạn cần làm đơn yêu cầu trả lại tài sản gửi đến cơ quan (có thẩm quyền ra quyết định trả lại tài sản). Sau khi nhận được đơn, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét, nếu thấy việc trả lại tài sản không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án thì sẽ trả lại cho bạn. Ngược lại, nếu xét thấy không thể trả lại tài sản ngay cho bạn thì bạn phải chờ đến khi vụ án đã được xét xử hoặc bị đình chỉ.
3. Có thể thỏa thuận với gia đình người bị hại không?
Việc gia đình người bị hại và gia đình bạn tự ý thỏa thuận về việc rút đơn yêu cầu hay bồi thường thiệt hại pháp luật hoàn toàn không cấm, hơn nữa pháp luật còn khuyến khích các bên thỏa thuận với nhau về mức bồi thường thiệt hại nhưng mức bồi thường thiệt hại này phải phù hợp so với thực tế.
Tuy nhiên, như đã trình bày ở mục 1 ở trên, trường hợp của em bạn, dù người bị hại rút đơn yêu cầu thì em bạn vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự như bình thường.
Trên đây là nội dung tư vấn của công Luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn.Nếu còn thắc mắc tiếp tục gửi thông tin về cho chúng tôi hoặc gọi 19006821 để được tư vấn tiếp.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia bào chữa, luât sư tham gia vụ án hình sự… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.