Hỏi về đồng phạm tội hiếp dâm.
03/04/2017 14:13
Thưa luật sư!
Tôi có câu hỏi muốn nhờ luật sư tư vấn như sau: A và B cùng lên kế hoạch đi ăn trộm tiền tại nhà chị C. Khi đang lục lọi A và B bị C phát hiện và tri hô. Ngay lập tức A và B lao vào khống chế dùng dây trói chân tay và bịt miệng C.
Sau khi lấy được 55 triệu đồng, A thấy C ở nhà một mình liền thực hiện hành vi hiếp dâm C. B nhìn thấy không nói gì và cầm tiền bỏ ra ngoài trước.
Vậy trong trường hợp này B có phải là đồng phạm với A về tội hiếp dâm không?
Vì sao?
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin tư vấn.
Về nội dung bạn đang thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời như sau:
Điều 138 Bộ luật hình sự quy định về Tội trộm cắp tài sản như sau:
"1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng".
Có thể thấy, theo như tình huống được đưa ra, A và B đã cùng nhau lên kế hoạch đi ăn trộm tiền, đã có sự bàn bạc, chuẩn bị kỹ lưỡng để thực hiện hành vi phạm tội. A và B đã trộm cắp số tiền là 55 triệu đồng. Ở đây A và B sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điểm a, Khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự. A và B được coi là đồng phạm trong trường hợp này.
Xét tiếp ở tình huống này, A thấy C ở nhà một mình liền thực hiện hành vi hiếp dâm C. B nhìn thấy không nói gì và cầm tiền bỏ ra ngoài trước. Như vậy, chỉ có A là người trực tiếp thực hiện hành vi hiếp dâm. Và A sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm theo quy định tại Điều 111 Bộ luật hình sự.
Điều 111 Bộ luật hình sự quy định Tội hiếp dâm như sau:
"1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
c) Nhiều người hiếp một người;
d) Phạm tội nhiều lần;
đ) Đối với nhiều người;
e) Có tính chất loạn luân;
g) Làm nạn nhân có thai;
h) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
c) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
4. Phạm tội hiếp dâm người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tại các khoản đó.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm".
Đối với hành động của B: B nhìn thấy A, thực hiện hành vi hiếp dâm C, đã không nói gì và cầm tiền bỏ ra ngoài trước. Cho nên, B không phải là đồng phạm với A về tội hiếp dâm. Mà B sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm theo quy định tại Điều 314 Bộ luật hình sự.
Theo quy định tại Điều 22 Bộ luật hình sự về Không tố giác tội phạm thì:
“1. Người nào biết rõ tội phạm đang đựơc chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm trong những trường hợp quy định tại Điều 313 của Bộ luật này”.
Điều 314 Bộ luật hình sự quy định Tội không tố giác tội phạm như sau:
"1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm được quy định tại Điều 313 của Bộ luật này đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
2. Người không tố giác là ôông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị e m ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về việc không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng theo quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt".
Như vậy, trong tình huống này, A và B sẽ là đồng phạm về tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 138 Bộ luật hình sự. A sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về tội hiếp dâm theo quy định tại Điều 111 Bộ luật hình sự. Còn B sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về tội không tố giác tội phạm (Điều 314 Bộ luật hình sự).
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính về nội dung bạn đang thắc mắc. Nếu còn điều gì chưa rõ, bạn có thể tiếp tục thông tin cho chúng tôi để được giải đáp, hoặc nghe luật sư tư vấn, vui lòng gọi 19006281.
Chúc bạn thành công!
Công ty luật Bảo Chính.
Gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư bào chữa, luật sư tham gia các vụ án hình sự, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ trên.