Hỏi về các tội xâm phạm quyền sở hữu
03/04/2017 16:18A là học sinh lớp 1 thường được bố đưa đón đi học. 17h ngày 25 tháng 8 năm 2011, sau khi tan học, trong khi A đang đứng ở cổng trường chờ bố đến đón thì Nguyễn Văn B thấy A đeo 1 sợi dây chuyền nên lại gần và hỏi: “Cháu tên là gì?”. Cháu A lễ phép trả lời câu hỏi của B. Sau đó, B liên tiếp hỏi A một số câu hỏi như: cháu bao nhiêu tuổi, cháu học lớp nào, cô giáo cháu tên gì, nhà cháu ở đâu… Trong lúc hỏi chuyện, B xoa đầu A rồi tháo một sợi dây chuyền vàng đeo trên cổ A. Sau khi kết thúc vài ba câu hỏi, B bỏ đi cùng chiếc dây chuyền vàng vừa tháo được. Chiếc dây chuyền vàng của A trị giá 5 triệu đồng. Về vụ án trên có các quan điểm sau: a. B phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. b. B phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. c. B phạm tội cướp giật tài sản. Như vậy, B có phạm một trong số các tội trên hay không?
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin tư vấn.
Về nội dung bạn đang thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời như sau:
Về quan điểm cho rằng B phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 139 BLHS 1999, là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn gian dối. Quan điểm này cho rằng việc B trò chuyện cùng A chính là thủ đoạn gian dối, bởi lẽ thực chất B muốn chiếm đoạt chiếc dây chuyền của A nhưng lại giả vờ bằng việc trò chuyện với A, cháu A tưởng B muốn hỏi thông tin thật nên đã tin và trả lời lại, không tập trung nên đã tạo cơ hội cho B chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, việc B liên tiếp hỏi A các câu hỏi về tên, tuổi, địa chỉ… cho dù là thủ đoạn gian dối cũng không phải là hành vi khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mà chỉ là hành vi để tiếp cận tài sản, tạo thuận lợi để sau đó mới thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Chiếc dây chuyền bị chiếm đoạt trong tình trạng A không hề hay biết, vì vậy, càng không phải A vì tin tưởng B mà tự nguyện đem chiếc dây chuyền của mình đưa cho B. Vậy nên, B không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Về quan điểm cho rằng B phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản:
Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 137, BLHS 1999, là lợi dụng chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản công nhiên chiếm đoạt tài sản của họ. Trong tình huống trên, có thể có lập luận rằng, B đã tiến hành chiếm đoạt tài sản ở nơi công cộng (cổng trường học), và có thể, B cũng không che giấu hành vi chiếm đoạt của mình trước sự quan sát của rất nhiều người xung quanh, vậy nên, hành vi của B là công nhiên chiếm đoạt. Tuy nhiên, cần xem xét kỹ rằng, A mới là chủ tài sản và người trực tiếp quản lý tài sản trong thời điểm này, mà A lại không hề biết rằng mình bị tháo mất dây chuyền, cũng không hề biết mục đích và hành vi chiếm đoạt của B, cho nên, không thể cho rằng B đã chiếm đoạt tài sản một cách công khai. Vì vậy, B không phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.
Về quan điểm B phạm tội cướp giật tài sản:
Tội cướp giật tài sản, được quy định tại Điều 136, BLHS 1999, là hành vi nhanh chóng chiếm đoạt tài sản một cách công khai. Như vậy có thể thấy, hành vi của B vừa không thỏa mãn dấu hiệu công khai, vừa không thỏa mãn dấu hiệu nhanh chóng, vậy nên B không phạm tội cướp giật tài sản.
Trong trường hợp này B đã phạm tội trộm cắp tài sản:
Tội trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang có chủ và thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 138 BLHS. Hành vi chiếm đoạt được coi là lén lút nếu được thực hiện bằng hình thức mà hình thức đó có khả năng không cho phép chủ tài sản biết có hành vi chiếm đoạt khi hành vi này xảy ra. Ý thức chủ quan của người phạm tội cũng là lén lút nếu khi thực hiện hành vi chiếm đoạt người phạm tội có ý thức che giấu hành vi đang thực hiện của mình. Tuy nhiên, việc che giấu này chỉ đòi hỏi đối với chủ tài sản. Đối với những người khác, ý thức chủ quan của người trộm cắp tài sản có thể vẫn là công khai.
Như vậy, trong trường hợp này, chiếc dây chuyền của A là tài sản đang có chủ, đang thuộc sự chiếm hữu và quản lý của A. Thêm vào đó, chiếc dây chuyền vàng đó trị giá 5 triệu đồng, phù hợp với điều kiện tại Điều 138 (tài sản trộm cắp có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên). Và quan trọng hơn cả là dấu hiệu lén lút: có thể rằng B không có ý định che giấu đối với những người xung quanh khi đã thực hiện hành vi ở nơi đông người, tuy nhiên, ý thức chủ quan của B là lén lút đối với chủ tài sản là A, vì không muốn A biết được hành vi chiếm đoạt của mình, nên B mới dùng thủ đoạn “trò chuyện” để đánh lạc hướng chú ý của cháu bé. Thực tế khách quan là B đã chiếm đoạt được chiếc dây chuyền mà A không hề hay biết.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính về nội dung bạn đang thắc mắc. Nếu còn điều gì chưa rõ, bạn có thể tiếp tục thông tin cho chúng tôi để được giải đáp, hoặc nghe luật sư tư vấn, vui lòng gọi 19006281.
Chúc bạn thành công!
Gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư bào chữa, luật sư tham gia các vụ án hình sự, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ trên.