Hoàn cảnh gia đình khó khăn có được xem xét giảm án không?
31/03/2017 22:38
Anh trai tôi vừa đi tù 3 năm về tội trộm tài sản. Khi ra tù được khoảng 2 tháng, do hoàn cảnh gia đình khó khăn và tôi bị tai nạn xe gãy chân không có tiền để mổ nên anh tôi đã nghe lời 4 người khác rủ rê trộm cái laptop và 1 số tiền (ước tính tài sản khoảng 40 triệu đồng). Vậy anh trai tôi sẽ bị xử phạt bao nhiêu năm? và hoàn cảnh gia đình khó khăn có được xem xét và giảm án không?
(tang van chung)
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin tư vấn.
Về vấn đề bạn đang thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính giải đáp như sau:
Khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 (sau đây gọi chung là Bộ luật Hình sự) quy định về Tội trộm cắp tài sản như sau:
“Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”
Anh trai của anh (tạm gọi là A) đã thực hiện hành vi trộm cắp tài sản có giá trị 40 triệu đồng. Căn cứ theo quy định trên, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự. A có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Khi quyết định hình phạt cụ thể đối với A, Tòa án sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
- Về nhân thân người phạm tội:
A từng bị kết án về tội trộm cắp tài sản và bị xử phạt 3 năm tù. Đến nay đã chấp hành xong hình phạt được 2 tháng. Theo quy định tại điều 64, 65, 66 Bộ luật Hình sự năm 1999, A vẫn chưa được xóa án tích. Tuy nhiên, A tiếp tục thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. Như vậy A thuộc trường hợp tái phạm (đã bị kết án, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý) theo quy định tại khoản 1 Điều 49 Bộ luật Hình sự năm 1999.
- Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Theo quy định tại điểm g khoản 1 điều 48 Bộ luật Hình sự, A có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là “Tái phạm”.
- Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự:
“a) Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
b)Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả;
c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
đ) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra;
e) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
g) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
h) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
i) Phạm tội vì bị người khác đe doạ, cưỡng bức;
k) Phạm tội do lạc hậu;
l) Người phạm tội là phụ nữ có thai;
m) Người phạm tội là người già;
n) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
o) Người phạm tội tự thú;
p) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
q) Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm;
r) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
s) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác.”
Trường hợp của anh bạn như bạn trình bày có thể được xem xét áp dụng tình tiết giảm như quy định tại điểm e “Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra” và tùy theo có thể được áp dụng thêm các tình tiết giảm nhẹ khác được liệt kê ở trên. Ngoài ra, khi xét xử, tuỳ từng trường hợp cụ thể và hoàn cảnh cụ thể của người phạm tội Hội đồng xét xử có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính về nội dung bạn đang thắc mắc.
Nếu còn điều gì chưa rõ, bạn có thể tiếp tục thông tin cho chúng tôi để được giải đáp, hoặc nghe luật sư tư vấn, vui lòng gọi 19006281.
Chúc bạn thành công!
Công ty luật Bảo Chính.
Gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư bào chữa, luật sư tham gia các vụ án hình sự, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ trên.