Hình phạt đối với người giúp sức trong vụ án cố ý gây thương tích
31/03/2017 11:43
Chào luật sư, tôi muốn luật sư tư vấn cho tôi vụ việc sau:
Cách đây vài tháng tôi đi ăn cùng với bạn bè. Khi đến quán ăn chúng tôi có gặp và xảy ra xô xát với một nhóm người khác. Tôi không tham gia đánh nhau gì cả nhưng tôi có chở bạn về nhà để lấy mã tấu. Sau khi chở bạn về nhà lấy mã tấu tôi vẫn không tham gia vào đánh nhau, nhưng tôi cũng không can ngăn gì cả. Kết quả là đã khiến một người bị thương tật 27%, làm hư hỏng một ô tô. Hiện tại tôi và bốn người nữa đang bị khởi tố về Tội cố ý gây thương tích theo khoản 2 Điều 104. Chúng tôi đã bồi thường cho phía nạn nhân, họ cũng đồng ý rút đơn. Riêng tôi thì chưa từng có tiền án, tiền sự, nhân thân trong sạch. Tôi cũng đã thành khẩn khai báo. Tôi muốn hỏi là liệu tôi có thể được hưởng án treo không?
Có thể thấy rằng bạn không trực tiếp gây ra hành vi gây thương tích cho người khác. Tuy nhiên, bạn lại có hành vi chở bạn về nhà lấy hung khí để gây án, đồng thời cũng không ngăn cản việc phạm tội. Căn cứ vào Điều 20 Bộ luật hình sự 1999 thì người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm là người giúp sức. Người giúp sức có thể giúp bằng lời khuyên, lời chỉ dẫn; cung cấp phương tiện tội phạm hoặc khắc phục những trở ngại cho việc thực hiện tội phạm; hứa che giấu người phạm tội, phương tiện, xoá dấu vết, hứa tiêu thụ tài sản do tội phạm mà có... Do vậy, bạn đã đóng vai trò giúp sức trong vụ án này, mà người giúp sức là người đồng phạm (Điều 20 BLHS). Bởi thế, dù bạn không trực tiếp gây án nhưng bạn cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích.
Theo thông tin bạn cung cấp và căn cứ vào Điều 46 BLHS thì bạn có hai tình tiết giảm nhẹ thuộc điểm b, p Khoản 1: b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả; p) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.
Theo quy định tại Điều 47 BLHS quy định về việc Quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật thì:
“Khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật này, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật; trong trường hợp điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất của điều luật, thì Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.”
Căn cứ vào quy định trên và Điều 104 BLHS thì bạn có thể được xem xét giảm mức hình phạt từ khung hình phạt tại khoản 2 sang khoản 1 Điều 104 BLHS. Theo đó, mức hình phạt cao nhất tại khoản 1 Điều 104 là phạt tù đến 3 năm.
Mà theo quy định tại Khoản 1 Điều 60 BLHS, khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm.
Như vậy, theo những phân tích ở trên, bạn hoàn toàn có thể được hưởng án treo mà không phải chấp hành hình phạt tù.
Trên đây là nội dung tư vấn của công Luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn.Nếu còn thắc mắc tiếp tục gửi thông tin về cho chúng tôi hoặc gọi 19006821 để được tư vấn tiếp.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia bào chữa, luât sư tham gia vụ án hình sự… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.