Hành vi sàm sỡ người khác bị xử lý như thế nào?
06/04/2017 18:15Chào Luật sư! Hôm thứ 7 vừa rồi, em gái tôi có đi kiểm tra sức khỏe tổng thể tại Bệnh viện đa khoa Quận 7. Trong lúc ngồi chờ đến lượt vào khám, em gái tôi đã bị một bác sĩ thực hiện hành vi sàm sỡ. Gia đình tôi rất bức súc về hành vi này của bác sĩ. Gia đình chúng tôi cũng đã liên hệ với bên bệnh viện để lấy đoạn băng hình ca-me-ra ghi lại hành vi của bác sĩ đó. Vậy Luật sư có thể tư vấn giúp tôi hành vi sàm sỡ của bác sĩ đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? Mong nhận được phản hồi sớm từ Luật sư. Xin cám ơn Luật sư!
Về nội dung bạn đang thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời như sau:
Danh dự, nhân phẩm của con người có thể coi là những tài sản vô giá, bởi lẽ, chúng ta sẽ rất khó để có thể quy đổi danh dự, uy tín, nhân phẩm của một con người sang bất cứ một loại tài sản nào đó. Nói cách khác, danh dự, uy tín, nhân phẩm của con người trong mọi hoàn cảnh luôn được đề cao.
Quay trở lại với vấn đề của bạn, nếu trong trường hợp bác sĩ mà bạn nói thực hiện hành vi đồi bại đó trước mặt của nhiều người có thể bị coi đó là hành vi xâm phạm tới danh dự, nhân phẩm của người khác thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền với mức tiền phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng (Điểm a, Khoản 1, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
Tuy nhiên, nếu bạn có đủ chứng cứ, bằng chứng để chứng minh rằng, hành vi đồi bại của bác sĩ đó xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của em gái bạn thì bác sĩ đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình thức phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm (Khoản 1, Điều 211, Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung 2009).
Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bác sĩ đó còn phải thực hiện việc bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại . Theo đó, bác sĩ đó không những phải trả các chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại, cũng như thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút mà còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính về nội dung bạn đang thắc mắc. Nếu còn điều gì chưa rõ, bạn có thể tiếp tục thông tin cho chúng tôi để được giải đáp, hoặc nghe luật sư tư vấn, vui lòng gọi 19006281.
Chúc bạn thành công!
Gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư bào chữa, luật sư tham gia các vụ án hình sự, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ trên.