Hành vi phá rừng
03/01/2017 15:59Đầu năm 2007 con tôi bị xử phạt hành chính về hành vi phát rừng làm rẫy và buộc phải trồng lại rừng cho Lâm trường. Đến tháng 8/2007 gia đình tôi tiếp tục phát rừng phần đất giáp ranh với đất của gia đình thì lực lượng Kiểm lâm lại tiếp tục xử phạt hành chính đối với con tôi. Việc xử phạt, gia đình đã nộp tiền phạt và phần đất phát rừng Lâm trường giao lại cho gia đình quản lý và có trách nhiệm trồng rừng và nộp một phần hoa lợi từ rừng cho Lâm trường, đóng thuế cho Nhà nước. Đầu năm 2008 do có một số hộ dân kiện tụng đối với gia đình và Lâm trường nên Công an có gọi con tôi lên lấy lời khai và nói sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự. Xin hỏi luật sư việc Công an khởi tố hình sự đối với con tôi như vậy có đúng pháp luật không, xin nêu quy định của pháp luật về vấn đề này?
Điều 175 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào có một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.
Đối chiếu với trường hợp của con ông đầu năm 2007 đã bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính về hành vi phá rừng. Thời hiệu của quyết định xử phạt hành chính là 1 năm nhưng chưa hết thời gian 1 năm con ông lại tiếp tục vi phạm và lại bị xử lý hành chính tiếp. Đúng ra thì lần thứ hai con ông vi phạm thì đã đủ yếu tố cấu thành tội theo quy định tại Điều 175 BLHS nhưng cơ quan Kiểm lâm lại xử lý hành chính mà không xử lý bằng hình sự là không đúng. Nhưng ở thời điểm đó không ai phát hiện vi phạm, đến năm 2008 do có khiếu kiện nên vụ việc được nêu ra nên cơ quan Công an mới điều tra xem xét và thấy con ông đủ các yếu tố cấu thành tội theo Điều 175 BLHS nên đã khởi tố.
Các quy định về xử lý hành chính thì tại Nghị định số 159 ngày 30/10/2007 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản cũng nêu rõ: Khi xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt, nếu thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì người có thẩm quyền phải khởi tố vụ án hình sự hoặc chuyển ngay hồ sơ vụ việc cho cơ quan tố tụng hình sự có thẩm quyền.
Nghiêm cấm việc giữ lại các vụ việc vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử phạt hành chính. Đối với các trường hợp đã ra quyết định xử phạt hành chính, nếu sau đó phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm mà chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì người đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải huỷ quyết định đó trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày huỷ quyết định xử phạt vi phạm hành chính, phải chuyển hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền.
Cơ quan tiến hành tố tụng không được từ chối việc tiếp nhận hồ sơ. Khi có đủ căn cứ hành vi vi phạm không đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, cơ quan tiến hành tố tụng phải làm đầy đủ thủ tục theo quy định tại điều 63 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và các quy định khác của pháp luật, chuyển lại hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để xử phạt vi phạm hành chính.
Như các văn bản pháp luật đã quy định ở phần trên thì việc cơ quan Công an khởi tố con ông theo Điều 175 là có căn cứ. Tuy nhiên đây mới là quá trình điều tra, làm rõ các hành vi vi phạm.
Trên đây là nội dung trả lời trường hợp bạn hỏi và hy vọng rằng sự tư vấn của tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu bạn có thắc mắc hay vấn đề gì để làm sáng tỏ thì hãy gọi 1900 6281 để được tư vấn cụ thể hơn.
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.