Hành vi như vậy có được coi là lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không?
11/04/2017 19:29
Chào các anh, chị!
Em hiện là sinh viên năm 1 của một trường ĐH ở Hà Nội. Em ở trọ đi học vì em ở xa thành phố. Cách đây 15 ngày có 1 anh gần nhà em, ở quê đi làm ở cùng thành phố có đến phòng em và đổi xe máy cho em để đi công việc vì ở gần nhà cùng quê nên em đã đồng ý.
Hôm sau em đi học bằng xe anh đó thì anh ấy gọi và nói vừa đi oto ở Huyện khác về và nói em đưa xe để anh đi về và lấy xe trả cho em. Nhưng không thấy, em gọi điện mấy lần đều không được, sau anh đó nhắn tin cho em là đã cầm xe, nói trong 3 ngày sẽ lấy xe ra cho.
Cứ thế rồi đến 1 tuần, rồi tắt máy và mất liên lạc một tuần nay. Em có đi tìm nhưng không biết anh đó ở đâu. Em đang rất lo lắng nhưng không biết nên làm thế nào. Em có gọi điện về nhà anh đó nhưng họ thờ ơ không quan tâm.
Vậy trường hợp này em có thể báo công an được không? Nếu làm đơn báo công an thì em phải về địa phương hay ở Thành phố cũng được. Và anh đó có bị bắt và phạm tội gì không? Và em có thể lấy được xe lại không?
Em mong các anh chị hãy tư vấn cho em. Hiện em đang thi giữ kỳ nhưng rất lo lắng, bất an.
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Về nội dung bạn thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời cho bạn như sau:
Theo thông tin mà bạn cung cấp thì có thể thấy hành vi trên có các yếu tố cấu thành tội phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội danh này được quy định tại Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
"1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Do bạn chưa cung cấp rõ thông tin giá trị chiếc xe mà bạn bị lừa mất nên cũng rất có thể là người đó chỉ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 15 của nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định về mức xử phạt các Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác như sau:
"1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Trộm cắp tài sản;
b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác;
c) Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác;
d) Sử dụng trái phép tài sản của người khác.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác;
b) Gây mất mát, hư hỏng hoặc làm thiệt hại tài sản của Nhà nước được giao trực tiếp quản lý;
c) Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản;
d) Gian lận hoặc lừa đảo trong việc môi giới, hướng dẫn giới thiệu dịch vụ mua, bán nhà, đất hoặc các tài sản khác;
đ) Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có;
e) Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm a, b, c Khoản 1; Điểm c, đ, e Khoản 2 Điều này.”
Bạn có thể đến cơ quan công an quận, huyện nơi xảy ra tội phạm hoặc nơi phát hiện tội phạm hoặc nơi người có hành vi vi phạm cư trú để tố giác về hành vi lừa đảo này. Sau khi cơ quan công an tiếp nhận vụ việc thì sẽ liên hệ với cơ quan công an tại các địa bàn có liên quan, kết hợp điều tra và tìm lại xe cho bạn.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp bạn hỏi. Nếu còn vướng mắc bạn vui lòng gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn chi tiết chính xác nhất.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư bào chữa, luật sư tham gia vụ án hình sự xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.