Hành vi gây tai nạn dẫn đến chết người.
11/04/2017 11:21Chồng tôi điều khiển taxi 4 chỗ và đè lên phần ngực một người bị tai nạn trước đó. Theo người dân ở đó là công an huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên thì vụ tai nạn trên là: hai xe máy đi ngược chiều đâm vào nhau, anh đã khám và sơ cứu hai nạn nhân, trong đó một người chính là người mà xe của chồng tôi đè lên đã tử vong từ trước; còn người kia chỉ bị thương, người này đã được chồng tôi đưa đi cấp cứu và hôm sau cũng tử vong. Hỏi: nếu gia đình tôi bồi thường cho nạn nhân thì bồi thường bao nhiêu? Theo luật hình sự thì chồng tôi bị xử lý như thế nào?
Cám ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn đến Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội.
Về nội dung bạn quan tâm, Công ty Luật Bảo Chính trả lời cho bạn như sau:
1. Điều 8 Bộ luật Hình sự quy định “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa”.
Theo đó, tội phạm phải đầy đủ bốn yếu tố cấu thành là: khách thể, chủ thể, mặt khách quan, mặt chủ quan. Về mặt khách quan, tội phạm có ba biểu hiện: hành vi trái pháp luật; hậu quả nguy hiểm cho xã hội; mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Con người chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hậu quả nguy hiểm cho xã hội nếu hậu quả đó là do chính hành vi nguy hiểm cho xã hội của họ gây ra; mối quan hệ nhân quả ở đây được xác định khi:
- Hành vi trái pháp luật xảy ra trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội về mặt thời gian;
- Hành vi trái pháp luật độc lập hoặc trong mối quan hệ tổng hợp với một hoặc nhiều hiện tượng khác phải chứa đựng khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả nguy hiểm cho xã hội;
- Hậu quả nguy hiểm cho xã hội đúng là sự hiện thực hóa khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả của hành vi trái pháp luật hoặc là khả năng trực tiếp làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng hoặc khả năng để sự biến đổi đó tiếp tục diễn ra không bị ngăn chặn.
Theo thông tin mà chị cung cấp thì người bị xe ô tô của chồng chị đè lên người đã tử vong trước đó do vậy có thể khẳng định: nguyên nhân tử vong của người đó không phải là do việc bị ô tô đè lên. Do vậy hành vi lái xe đè lên ngực người đã chết của chị không phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội và không gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội và chồng chị không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên cũng phải lưu ý chị là: nếu chỉ căn cứ vào lời khai của người dân ở đó thì chưa thể kết luận người đó đã tử vong trước hay sau thời điểm bị xe ô tô của chồng chị đè lên ngực. Vấn đề này sẽ do cơ quan điều tra tiến hành xác định theo quy định của pháp luật.
2. Về vấn đề liên quan đến bồi thường thiệt hại, theo Điều 604 Bộ luật Dân sự 2005 thì căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại là: “Người nào do lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, ủy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”. Đối chiếu với quy định này thì nếu đúng là hành vi của chồng chị không phải là hành vi gây thiệt hại (tính mạng) thì chồng chị không có nghĩa vụ phải bồi thường. Về mặt tình cảm thì việc gia đình chị có thể giúp đỡ gia đình nạn nhân là việc pháp luật không cấm.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Bảo Chính về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, bạn hãy gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn!
Chúc bạn may mắn và thành công!
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư bào chữa, luật sư tham gia vụ án hình sự xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.