Giúp sức thực hiện hành vi lừa đảo có phải là đồng phạm?
05/04/2017 15:48
Bạn em làm kế toán tại Phòng khám đa khoa, đã tham gia làm giả chứng từ với số tiền là 600 triệu đồng. Cơ quan cảnh sát điều tra kết luận bạn em phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại khoản 4 Điều 139 của Bộ luật hình sự. Nhưng trên thực tế, bạn em là người làm công ăn lương, không được ăn chia bất kỳ một khoản nào. Bố bạn ấy tham gia kháng chiến chống Pháp và bác ruột là liệt sỹ.
Vậy cho em hỏi, khi xét xử bạn ấy sẽ chịu mức án như thế nào?
Về nội dung bạn đang thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời như sau:
Thứ nhất, Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội lừa đỏa chiếm đoạt tài sản như sau:
Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
"1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm."
Như vậy, với hành vi làm chứng từ giả tức là đưa ra thông tin gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác thì người bạn này đã phạm tội quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009. Mặc dù người là người làm công ăn lương, không được ăn chia bất kỳ một khoản nào nhưng đó vẫn là hành vi phạm tội không phụ thuộc vào lợi ích thu được sau khi thực hiện hành vi là bao nhiêu.
Thứ hai, về tính tiết giảm nhẹ. Việc bố bạn ấy tham gia kháng chiến chống Pháp và bác ruột là liệt sỹ, thì không thuộc một trong những tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự nhưng trong quá trình quyết định hình phạt có thể đề nghị Tòa cân nhắc để xem xét có coi đó là tính tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự hay không.
Điều 46. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
"2. Khi quyết định hình phạt, Toà án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án."
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính về nội dung bạn đang thắc mắc. Nếu còn điều gì chưa rõ, bạn có thể tiếp tục thông tin cho chúng tôi để được giải đáp, hoặc nghe luật sư tư vấn, vui lòng gọi 19006281.
Chúc bạn thành công!
Gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư bào chữa, luật sư tham gia các vụ án hình sự, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ trên.