Giới hạn của hành vi phòng vệ chính đáng
06/04/2017 15:41Chào Luật sư! Gần nhà tôi sinh sống có một cái đầm khá rộng, được nhà nước cho tư nhân thầu để nuôi cá. Hôm qua, em trai tôi có ra đó câu cá và bị người ta dùng dao chém làm em tôi phải khâu 8 mũi, sau đó còn đánh em tôi làm dập sống mũi và tụ máu ở vành giác mạc, và còn dìm đầu em tôi xuống ao khiến em tôi phải vào viện điều trị. Em trai tôi cũng đánh trả lại, khiến người đó bị gẫy hai cái răng và chẹo xương quai hàm khiến người đó phải nhập viện. Vậy thưa Luật sư, em trai tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không ạ? Mong nhận được phản hồi sớm từ phía Luật sư! Xin cám ơn Luật sư!
Về nội dung bạn đang thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời như sau:
Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 104, Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung 2009 thì những người cố tình gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến dưới 30% hoặc dưới 11% nhưng có sử dụng hung khí nguy hiểm thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tức là, trong trường hợp này, người gây thương tích cho em trai bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định của Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung 2009.
Còn về phía em trai bạn, thì trước tiên, chúng ta phải xét đến khía cạnh hành vi phòng vệ của em trai bạn. Trong trường hợp việc phòng vệ của em trai bạn là hành vi phòng vệ chính đáng (theo nội dung của Khoản 1, Điều 15, Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung 2009) thì em trai bạn không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bởi hành vi này đủ để ngăn chặn hành vi gây thương tích cho em trai bạn của người đó, mà không mang tính chất côn đồ, hay gây nguy hại cho xã hội. Tuy nhiên, nếu hành vi này của em trai bạn vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng thì có thể em trai bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh cố ý gây thương tích cho người khác (Điều 104, Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009).
Tuy nhiên, việc xác định hành vi phòng vệ chính đáng của em trai bạn, cũng như tỷ lệ thương tật của cả hai người là em trai bạn và người gây thương tích cho em trai bạn sẽ phụ thuộc vào kết luận của cơ quan giám định pháp y, cũng như cơ quan điều tra được thực hiện theo thủ tục tố tụng hình sự. Theo đó, việc có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không cũng sẽ phụ thuộc vào kết luận giám định pháp y và cơ quan điều tra cũng dựa vào kết luận đó hay yêu cầu của em trai bạn để ra quyết định khởi tố vụ án theo căn cứ tại Điều 100, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính về nội dung bạn đang thắc mắc. Nếu còn điều gì chưa rõ, bạn có thể tiếp tục thông tin cho chúng tôi để được giải đáp, hoặc nghe luật sư tư vấn, vui lòng gọi 19006281.Chúc bạn thành công!
Gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư bào chữa, luật sư tham gia các vụ án hình sự, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ trên.