Gây thiệt hại sức khỏe và tài sản có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
12/04/2017 10:01
Thưa luật sư, đây là miếng đất ông nội tôi để lại có sổ đỏ chứng nhận sử dụng miếng đất này hiện gia đình chúng tôi chỉ dung để canh tác và sống ở miếng đất khác, bên cạnh miếng đất này có một nhà.
Nhưng cách đây hai tháng nhà bên cạnh này chặt rào phá hoại vườn mía nhà tôi và cho rằng gia đình tôi chiếm đất của họ, hai gia đình đã nhờ thôn làm trung gian nhưng không có kết quả. Do phá rào gia đình tôi có bắt được trâu phá hoại nhiều lần và nhắc nhở họ nhưng họ không tôn trọng. ngày 27/11/2016 già đình tôi có phát hiện và bắt giữ con trâu trên đang ở phá hoại vườn mía nhà ở khu đất đó.
Tôi có mang trâu về nhà cột và thông báo lên thôn sau đó thôn có loa cho gia chủ nào mất trâu đến nhận.
Nhưng tối 27/11/2016 Hoàng 16 tuổi là người chăn dắt trâu đó rình với ý định lấy trộm con trâu nhà mình bị bắt nhưng bị gia đình chúng tôi phát hiện. Đêm 28/11/2016 Hoàng và 2 bạn của mình có thực hiện ý đồ lấy trộm trâu Hoàng và bạn của mình có gấy rối nhà tôi bằng cách ném đá vào nhà tôi, Tôi và hàng xóm phục bắt được Hoàng và bạn của mình trốn trong ruộng nhà tôi sát nhà ở 10m Hoàng và bạn mình xâm phạm chỗ ở gia đình tôi, khi đưa nghi phạm vào nhà tôi có hỏi là tại đêm hôm ném đá vào nhà và chúng khai là trộm trâu con trâu của Hoàng bị bắt ở trên.
Nhưng khi Hoàng và bạn mình ném đá vào nhà (gia đình chúng tôi không biết là ai và có bao nhiêu người) thì chúng tôi sợ quá có lấy đá ném vào chỗ chó sủa đó thì không thấy ai chạy.
Gia đình chúng gọi ai ở trong đó làm gì thì không ai trả lời. sau khi vào nhà làm biên bản làm việc biên bản nói ghi chép lại sự việc là ném đá vào nhà. Ngoài ra nghi phạm cũng thừa nhận trộm trâu.
Hỏi:
(1) Hiện tại bạn của Hoàng đi nằm viện và nói gia đình tôi gây thương tích, nhưng khi bắt được nghi phạm chúng tôi phát hiện ra cháu là người nhà nên không có đánh. Giờ người ta một mực ăn không nói có như vậy thì tôi muốn hỏi luật sư thì giải quyết thế nào ạ. Gia đình chúng tôi có đầy đủ chứng cứ (ghi âm, video, ảnh về vụ việc) thì nên giải quyết thế nào ạ. Nếu bạn hoàng xâm phạm chỗ ở gia đình tôi và gia đình có lấy đá ném phòng vệ nếu trúng người thì bị tội gì không ạ.?
(2) Nếu các nghi phạm mới 16 tuổi có đồng bọn và ném đá vào nhà, chúng còn trèo rào vào địa phận nhà ở gia đình vậy thì có bị coi là xâm phạm chỗ ở và tội gây rối trật tự công cộng không ạ. Và nếu ra pháp luật sẽ bị xử lý thế nào ạ?
(3) Riêng trâu nhà Hoàng phá họa hoa màu thì được giải quyết thế nào, và cấp nào có thẩm quyền ạ?
Tôi xin chân thành cảm ơn quý luật sư tư vấn cho gia đình chúng tôi.
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Về nội dung bạn thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời cho bạn như sau:
Đối với sự việc xảy ra, bạn cần làm đơn trình báo lên cơ quan điều tra để điều tra làm rõ vụ việc, đồng thời cung cấp các bằng chứng chứng minh về hành vi của Hoàng và các bạn.
Thứ nhất, việc đánh người gây thương tích, điều 104 bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định:
"1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.”
Như vậy, để xác định có xảy ra việc gây thương tích không, bạn có quyền yêu cầu bạn của Hoàng cung cấp các giấy tờ chứng minh thương tích, nếu nhận thấy giấy tờ đó không minh bạch bạn có thể yêu cầu giám định lại thương tật đồng thời yêu cầu xác định nguyên nhân dẫn đến thương tích đối với bạn của Hoàng.
Điều 15 có quy định về trường hợp phòng vệ chính đáng như sau:
"1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự.”
Theo đó nếu hành vi ném đá gây thương tích của bạn là hành vi chống trả quá mức cần thiết, không phù hợp với mức độ nguy hiểm mà hành vi của Hoàng và bạn Hoàng gây ra, nếu xảy ra thiệt hại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ thiệt hại.
Thứ hai, hành vi ném đá gây hư hỏng đồ đạc có thể cấu thành tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại điều 143 bộ luật hình sự như sau:
"1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Để che giấu tội phạm khác;
đ) Vì lý do công vụ của người bị hại;
e) Tái phạm nguy hiểm;
g) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Bạn có thể xác định thiệt hại xảy ra để cung cấp cho cơ quan điều tra giải quyết vụ việc.
Thứ ba, vấn đề trâu phá hoại hoa màu nhà bạn, điều 625 bộ luật dân sự năm 2005 quy định như sau:
"1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác; nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường.
2. Trong trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
3. Trong trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường;
4. Trong trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.”
Như vậy, trước tiên bạn cần gửi đơn lên cơ quan điều tra để điều tra vụ việc, nếu có dấu hiệu của tội phạm, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án, sau khi giải quyết vụ án hình sự, các vấn đề liên quan cũng sẽ được tòa án giải quyết.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp bạn hỏi. Nếu còn vướng mắc bạn vui lòng gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn chi tiết chính xác nhất.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư bào chữa, luật sư tham gia vụ án hình sự xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.