Đưa tiền để chạy việc làm có phải chịu trách nhiệm gì không?
10/04/2017 17:21
Em gái tôi tốt nghiệp đại học đã được 3 năm và đã đi làm, nay vì có người quen giới thiệu một công ty lớn và lương cao nên em gái tôi có đưa 200 triệu cho ông A làm phòng nhân sự công ty X để chạy việc vào công ty về bất động sản lớn đó, ông A cam kết xin được việc cho em tôi.
Tới 3 tháng sau, ông A trả lời không xin được và kêu em tôi chờ để ông chạy vào làm công ty X, nơi ông A đang làm việc. Một thời gian sau, do chờ lâu không được em tôi đòi tiền thì ông A trả lại đủ 200 triệu. Từ đó tới nay em tôi không còn liên lạc với ông A nữa, sau đó hôm 21/10/2016 ông A gọi điện nhờ em tôi lên xác nhận với công an về việc đưa tiền chạy việc.
Hiện em tôi chưa lên gặp và cũng chưa có giấy gọi của công an.
Luật sư cho tôi hỏi: em tôi nên làm như thế nào và trách nhiệm của em tôi trong chuyện này ra sao? Em tôi có bị truy cứu về hành vi đưa tiền chạy việc không?
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Về nội dung bạn thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời cho bạn như sau:
Theo quy định tại Bộ Luật dân sự năm 2005 thì : Giao dịch dân sự có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.
Điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.
Như vậy, trong trường hợp của em gái bạn, em gái bạn đã đưa 200 triệu cho ông A và nhờ ông A xin việc cho mình. Đây là một giao dịch dân sự vô hiệu do nội dung của giao dịch là đưa tiền chạy việc, đây là hành vi trái đạo đức xã hội và vi phạm điều cấm của pháp luật. Khi giao dịch dân sự vô hiệu các bên phải hoàn trả lại những gì đã nhận. Ông A đã hoàn trả lại tiền cho em gái bạn, nhưng lại phát sinh tranh chấp giữa ông A với người khác về khoản tiền mà em gái bạn nhờ ông A xin việc. Khi có giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền thì em gái bạn nên chấp hành giấy triệu tập này với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Tuy nhiên, việc dùng tiền để xin việc này cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ, người trung gian hứa xin việc hộ sẽ bị truy cứu về tội môi giới hối lộ; người nhận tiền và xin việc cho em gái bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ theo quy định của pháp luật hình sự. Vì thế trong trường hợp này của em gái bạn, do không xin được việc nên ông A đã trả lại tài sản cho em gái bạn. Chính vì vậy em gái bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm về tội đưa hối lộ.
Cụ thể, theo Điều 289 Bộ Luật hình sự năm 1999 quy định như sau:
"1. Người nào đưa hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ sáu năm đến mười ba năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;
d) Phạm tội nhiều lần;
đ) Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
e ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười ba năm đến hai mươi năm:
a) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ.
6. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.”
Trong tình huống của em gái bạn, cô ấy đã đưa cho ông A 200 triệu đồng để nhờ xin việc. Như vậy, theo quy định của pháp luật em gái bạn có tình tiết tăng nặng theo khoản 3 Điều 289 Bộ luật hình sự là tài sản đưa hối lộ từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng. Chính vì thế, em gái bạn nên chủ động đến cơ quan công an và khai báo trước khi bị phát giác thì em gái bạn có thể được xem xét miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 6 Điều 289 Bộ Luật hình sự.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp bạn hỏi. Nếu còn vướng mắc bạn vui lòng gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn chi tiết chính xác nhất.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.