Đánh trả lại có phải là phòng vệ chính đáng?
29/03/2017 10:44Em đang ngồi chơi thì tự dưng 5 thanh niên lao vào đè đánh em đến ngất đi một lúc rồi em tỉnh lại 5 thanh niên kia vẫn tiếp tục đánh tiếp do em đau quá nên em đã về nhà cầm một con dao thái rau xuống và đã vô tình chém 1 trong 5 thanh niên kia và bây giờ thanh niên bị chém đòi em bồi thường 48 triệu nếu em không trả thì sẽ kiện em. Vậy em muốn hỏi nếu nhà em không bồi thường và kiện lại 5 thanh niên kia được không ạ và nếu thanh niên bị chém kiện em thì em thua hay thắng ạ.
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Về vấn đề của bạn thắc mắc Công ty Luật Bảo Chính tư vấn cho bạn như sau:
Theo Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 Điều 15 về phòng vệ chính đáng
1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự.
- Thứ nhất: Hành vi tấn công của người có hành vi vi phạm phải là đang hiện hữu xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, lợi ích của chính bản thân người bị hại.
- Thứ hai: Người phòng vệ có sự chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi tấn công ngay cả những trường hợp có biện pháp khác tránh được sự tấn công. Sự chống trả này phải phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công đặt trong hoàn cảnh cụ thể và để đánh giá được hành vi phòng vệ là cần thiết, phù hợp là tương đối phức tạp cà cần phải dựa vào một số căn cứ sau: tính chất của quan hệ xã hội bị xâm hại, mức độ thiệt hại bị đe dọa gây ra, sức mạnh của hành vi tấn công, tính chất và mức độ nguy hiểm của phương pháp và phương tiện hay công cụ mà người tấn công sử dụng.
Tuy nhiên nếu hành vi chống trả của người phòng vệ rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại thì đó là vượt quá phòng vệ chính đáng và người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự và các hành vi tương ứng như: giết người do vượt quá phòng vệ chính đáng, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá phòng vệ chính đáng.
Theo như trường hợp của bạn trình bày do đám thanh niên đầu tiên đánh bạn nên bạn đã cầm dao đánh lại nhóm thanh niên kia và gây thương tích cho 1 người. Vì bạn không nói rõ là hành vi chống trả là khi nhóm thanh niên đã thực hiện xong hành vi vi phạm hay chưa nên cần xét:
+ Nếu khi bạn thực hiện hành vi cầm dao chém lại đám thanh niên đê bảo vệ bản thân khi đám thanh niên có hành vi xâm phạm tính thân thể sức khỏe của bạn, so sánh tương quan về số lượng là bên bạn chỉ có 1 người còn bên kia có hẳn 5 người nên chỉ coi đây là trường hợp Phòng vệ chính đáng, và bạn không phải có trách nhiệm bồi thường đối với người bị thương. Ngoài ra, bạn có thể đi giám định tỉ lệ thương tích của bạn và tố cáo hành vi đánh người của nhóm 5 người kia vì đã có hành vi cố ý gây thương tích cho người khác với cơ quan chính quyền để xem xét xử lý.
+ Tuy nhiên, nếu hành vi chống trả của bạn thực hiện sau khi đám thanh niên đã thực hiện xong hành vi vi phạm và thể hiện không thực hiện hành vi vi phạm nữa nhưng vì tức giận bạn vẫn cầm dao đánh lại những người đó thì trường hợp của bạn sẽ là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Bạn phải đi xác định tỉ lệ thương tích của người đã bị thương
Nếu dưới 31% thì bạn không bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường cho người bị thương số tiền tương ứng với mức độ lỗi bạn gây ra theo quy định Bộ luật dân sự 2005
Nếu tỉ lệ thương tật từ 31% thì bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hinh sự về tội theo Điều 106 Bộ luật hình sự Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên hoặc dẫn đến chết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
2. Phạm tội đối với nhiều người thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn. Nếu còn thắc mắc tiếp tục gửi thông tin về cho chúng tôi hoặc gọi 19006821 để được tư vấn tiếp.
Chúc bạn mạnh khỏe và thành công!
Công ty luật Bảo Chính!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư bào chữa, luật sư tham gia vụ án hình sự xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.