Đánh người bằng côn bị xử phạt như thế nào?
11/04/2017 14:25Chồng tôi có sang làng bên cạnh khi đi có mang theo côn và có đánh người làng bên, giờ chồng tôi bị tội gây rối trật tự nơi công cộng. Người bị đánh đã bị thương tích nặng nhưng đó là thương tích do người khác đánh (cùng bị đánh hôm đó, cùng thười diểm đó). Vậy chồng tôi sẽ bị xử phạt thế nào?
Cám ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn đến Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội.
Về nội dung bạn quan tâm, Công ty Luật Bảo Chính trả lời cho bạn như sau:
Gây rối trật tự công cộng là một trong những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự. Tội gây rối trật tự công cộng thể hiện ở các hành vi xâm phạm quan hệ xã hội trong lĩnh vực trật tự công cộng, gây tổn hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Các hành vi này được thể hiện công khai ở nơi đông người. Hình thức biểu hiện của hành vi gây rối rất khác nhau: lăng mạ bằng lời nói hoặc bằng hành vi hành hung, đánh người, đập phá đồ đạc hoặc huỷ hoại tài sản, gây lộn xộn ở nơi công cộng. Điều 245 Bộ luật Hình sự quy định về “Tội gây rối trật tự công cộng” như sau:
“1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách;
b) Có tổ chức;
c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
d) Xúi giục người khác gây rối;
đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
e) Tái phạm nguy hiểm.”
Theo như chị trình bày thì chồng chị có “sang làng bên cạnh khi đi có mang theo côn và có đánh người làng bên”. Như vậy cơ quan tiến hành tố tụng đã truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng đối với chồng chị là có cơ sở.
Về việc có người bị hại bị thương tích nặng, mặc dù chồng chị không trực tiếp tham gia vào việc gây thương tích cho người này nhưng nếu chồng chị là đồng phạm với vai trò là người tổ chức, người xúi giục hoặc người giúp sức đối với hành vi gây thương tích cho người bị hại thì chồng chị vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích quy định tại Điều 104, Bộ luật Hình sự với vai trò đồng phạm, đồng thời chồng chị cũng có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến sức khỏe của người khác theo quy định tại Điều 609, Bộ luật Dân sự năm.
Trong trường hợp chồng chị không tham gia vào việc gây thương tích, cũng không phải là đồng phạm thì Cơ quan tiến hành tố tụng không có cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chồng chị về hành vi cố ý gây thương tích theo quy định của Bộ luật Hình sự, đồng thời chồng chị không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người đó.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Bảo Chính về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, bạn hãy gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn!
Chúc bạn may mắn và thành công!
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư bào chữa, luật sư tham gia vụ án hình sự xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.