Công nhiên hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản?
31/03/2017 15:45
Tôi muốn Luật sư tư vấn cho tôi vụ việc sau:
Mẹ tôi có vay của dì N (mẹ ruột của chị T) số tiền 400 triệu đồng, lãi suất 4,5%/tháng. Ngày 31/01/2015, biết tôi sẽ đi rút 300 triệu từ tài khoản ngân hàng ra để kinh doanh (Số tiền 300 triệu là tiền của tôi chứ không phải của mẹ tôi), dì N có đề nghị để chị T chở tôi đi rút tiền cho an toàn, và tôi đồng ý. Sau khi rút tiền mặt, chị T nói: "số tiền lớn nên bỏ cốp xe cho an toàn” (hiện tại đang đi trên xe của chị T), nhưng khi đến nhà tôi, ngay lúc tôi xuống xe thì chị T ga xe và chạy mất, tôi có la lên nhưng chị T vẫn chạy đi và mang theo 300 triệu của tôi trong cốp xe. Tôi cho rằng chị T công nhiên chiếm đoạt tài sản nên đã trình báo công an ngay ngày hôm đó. Và theo tôi biết thì chị T đã thừa nhận có lấy số tiền 300 triệu của tôi, nhưng là vì lấy cho dì N (mẹ chị T), với lý do là mẹ tôi thiếu nợ dì N. Nhưng đến nay cơ quan công an vẫn chưa thu hồi lại số tiền 300 triệu đồng cho tôi. Khi tôi hỏi cơ quan công an thì họ bảo là "do mẹ chị thiếu nợ người ta nên người ta lấy lại, vì vậy phía công an chưa thu hồi lại 300 triệu đồng được, cần phải điều tra thêm”. Dì N đã đứng ra bảo lãnh cho số tiền 300 triệu đó. Trong lúc tôi đi rút tiền thì ở nhà mẹ tôi thoả thuận với dì N là sẽ trả 100 triệu đồng, nhưng tôi không biết điều đó. Tôi muốn hỏi là:
1. Việc mẹ tôi thiếu nợ dì Nguyệt có liên quan gì đến vụ việc này không ?
2. Chị T theo như vụ việc này thì có phải vi phạm vào tội công nhiên chiếm đoạt tài sản hay không?
3. Tôi có thể yêu cầu công an thu hồi lại số tiền 300 triệu hay không?
4. Phía công an không thu hồi lại 300 triệu từ chị T là đúng hay sai?
Mong nhận được lời giải đáp. Tôi xin chân thành cám ơn!
Thứ nhất, cần phải khẳng định rằng giao dịch vay tiền giữa mẹ bạn và bà N không liên quan gì đến bạn, cụ thể là trong vụ việc này.
Điều 471 Bộ luật dân sự 2005 quy định: Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
Điều 474 Bộ luật dân sự 2005 quy định Nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau: 1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn. Như vậy, nghĩa vụ dân sự trong hợp đồng vay tài sản phát sinh với bên vay. Nói cách khác, ai vay thì người ấy có nghĩa vụ trả nợ.
Đối với trường hợp của bạn, mẹ bạn vay thì mẹ bạn phải có nghĩa vụ trả nợ. Bạn chỉ có nghĩa vụ trả nợ nếu rơi vào một trong những trường hợp sau:
- Bạn thỏa thuận với mẹ bạn chuyển giao nghĩa vụ sang cho bạn, có thông báo cho bà N và bà N đồng ý theo Điều 315 quy định về Chuyển giao nghĩa vụ dân sự, cụ thể như sau: “Bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ dân sự cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ; Khi được chuyển giao nghĩa vụ thì người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ”. Tức là lúc này bạn sẽ là người có nghĩa vụ trả nợ chứ không còn là mẹ bạn nữa.
- Bạn bảo lãnh với bà N là sẽ trả số nợ của mẹ bạn nếu như đến hạn trả nợ mà mẹ bạn không trả nợ được theo Điều 361 BLDS 2005. Cụ thể: “Bảo lãnh là việc người thứ ba (say đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thoả thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.”
Như vậy, nếu như bạn chưa có thỏa thuận nào thuộc hai trường hợp trên thì bạn không có nghĩa vụ trả nợ thay mẹ bạn. Bởi vậy, bà N hay chị T không có quyền chiếm hữu tài sản của chị hay yêu cầu chị phải trả khoản nợ của mẹ chị.
Thứ hai, hành vi của chị T không cấu thành tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản theo điều 137 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009. Điều này quy định như sau:
“1. Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Hành hung để tẩu thoát;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng.”
Hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản là hành vi lợi dụng tình trạng khó khăn của người khác để công khai chiếm đoạt tài sản mà không cần dùng đến bất kì thủ đoạn nào. Tình trạng khó khăn của người khác là do người đó tự tạo ra chứ không phải người có hành vi công nhiên tạo ra để người đó lâm vào.
Có thể thấy, trong tình huống này, hành vi chiếm đoạt tài sản của chị T không thỏa mãn những dấu hiệu trên (bạn rơi vào tình trạng khó khăn không có phương tiện đuổi theo xe chị T là do chính chị T dùng thủ đoạn), do vậy không thể cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản được.
Hành vi của chị T có thể thấy rằng đã được lên kế hoạch từ trước và có thủ đoạn nhằm chiếm đoạt số tiền, từ việc dụ bạn để tiền vào cốp xe đến việc lợi dụng ngay khi bạn xuống xe thì phóng xe đi. Do vậy, hành vi này đã cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 139 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009:
“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Thứ ba, bởi hành vi của chị T đã cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 139 BLHS 1999 nên căn cứ theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 bạn có quyền tố giác tội phạm đến cơ quan công an để điều tra vụ việc, cơ quan điều tra sẽ có đơn yêu cầu khởi tố bị can, khởi tố vụ án, sau đó Viện kiểm sát ra quyết định truy tố. Tuy nhiên, phải sau khi vụ án được đưa ra xét xử, bản án có hiệu lực pháp luật thì mới có căn cứ buộc chị T trả lại tiền cho bạn.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia bào chữa, luât sư tham gia vụ án hình sự… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.