Cố ý gây thương tích trong tình trạng say rượu.
12/04/2017 09:41
Kính gửi công ty Công ty Công ty luật Bảo Chính!. Thưa luật sư, tôi có cho anh H gần nhà tôi vay 150 triệu đồng với lãi suất 1%/tháng, hai người đã thuận với nhau là trong vòng 3 tháng thì anh H phải trả cho tôi toàn bộ cả gốc lẫn lãi, tuy nhiên sau khi hết 3 tháng mà anh H vẫn không hoàn trả lại cho tôi cả lãi và gốc từ số tiền trên. Sau nhiều lần đến nhà đòi và gọi điện nhưng anh H vẫn cố ý lẩn tránh hoặc khất lần, chính vì thế nên trong một lần tôi say rượi đã tới tận nhà anh H và chúng tôi có xảy ra to tiếng, lời qua tiếng lại lại sẵn có tý men trong người nên tôi liền dùng chiếc điếu cày ở gần đó đập 4 phát vào bụng và lưng anh H. Kết quả là anh H bị thương và phải vào viện, trong suốt thời gian một tháng anh H ở viện tôi thường xuyên tới chăm sóc và tiền viện phí cũng là do tôi trả toàn bộ. Theo kết quả giám định thì anh H bị thương tật 9% sức khỏe. Vậy tôi muốn hỏi là:
1/ Trong trường hợp trên nếu H khởi kiện thì tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không vì lúc đó tôi đang trong tình trạng không tỉnh táo?
2/ Nếu bị truy cứu hình sự thì tôi bị phạt như thế nào?. Và có cách nào để giải quyết mà không cần ra tòa không?.
Tôi xin chân thành cảm ơn
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Về nội dung bạn thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời cho bạn như sau:
– Căn cứ vào các thông tin mà bạn cung cấp có thể hiểu rằng trong lúc bạn đang say rượu thì bạn đã tìm đến nhà anh H và có hành vi lời qua tiếng lại với anh H sau đó vì kích động nên đã lấy chiếc điếu cày gần đó đánh anh H làm anh H bị thương. Như vậy, theo quy định của bộ luật hình sự thì:
Về hành vi bạn sử dụng điếu cày để đánh anh H bị thương thì theo quy định tại Điều 104 bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì đây được coi là hành vi cố ý gây thương tích:
"Điều 14. Phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác
Người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.”
Như vậy, trong tình trạng anh say rượu mà làm anh H bị thương thì anh vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự vì hành vi của mình. và hành vi của anh được coi là hành vi cố ý gây thương tích theo Điều 104 Luật hình sự năm 1999
"Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a)Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.”
Vậy hung khí nguy hiểm được hiểu như thế nào?
Ngày 12 tháng 05 năm 2006, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn một số quy định của Bộ luật hình sự.Về tình tiết dùng hung khí nguy hiểm được quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự, tại mục 3.1 Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP đã hướng dẫn như sau: "Dùng hung khí nguy hiểm” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 của BLHS là trường hợp dùng vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm theo hướng dẫn tại các tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao để cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác. Như vậy, hung khí nguy hiểm được hiểu là vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm, trong đó:
– Vũ khí theo quy định tại Điều 3 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ gồm:
+) Vũ khí quân dụng gồm:
a) Súng cầm tay hạng nhỏ là vũ khí được thiết kế cho cá nhân sử dụng gồm súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên và các loại súng khác có tính năng, tác dụng tương tự;
b) Vũ khí hạng nhẹ gồm súng đại liên, súng cối dưới 100 mi-li-mét, (mm), súng ĐKZ, súng máy phòng không dưới 23 mi-li-mét (mm), súng phóng lựu, tên lửa chống tăng cá nhân, tên lửa phòng không vác vai, các loại vũ khí hạng nhẹ khác có tính năng, tác dụng tương tự;
c) Các loại bom, mìn, lựu đạn, đạn, ngư lôi, thủy lôi, hỏa cụ;
d) Vũ khí không thuộc danh mục vũ khí do Chính phủ ban hành nhưng có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng.
+) Súng săn là súng dùng để săn bắn gồm súng kíp, súng hơi, các loại súng khác có tính năng, tác dụng tương tự.
+) Vũ khí thô sơ gồm các loại dao găm, kiếm, giáo, mác, lưỡi lê, đao, mã tấu, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ
+) Vũ khí thể thao là súng và các loại vũ khí thô sơ dùng để luyện tập, thi đấu thể thao.
+) Các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự: là loại vũ khí khi sử dụng có khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ đối với con người, thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng đến môi trường tương tự như vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể.
– Phương tiện nguy hiểm là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công.
Hành vi anh dùng Điếu gây thương tích 9% cho anh H thì theo quy định nêu trên sẽ có hai trường hợp như sau xảy ra:
-Trường hợp thứ nhất: Trong trường hợp trên anh Dùng Điếu cày là phương tiện để phục vụ cuộc sống con người nếu như cơ quan giám định cho rằng đây là phương tiện gây nguy hiểm thì như vậy mặc dù anh H không khởi kiện thì vẫn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a khoản 1 Điều 104 bộ luật hình sự( bởi có thể điếu cày mà anh sử dụng là điếu gỗ, điếu nhựa hoặc điếu che hay cũng có thể là điếu tự chế ….nên cần phải có sự giám định của cơ quan chức năng mới xác định được liệu có phải điếu cày này là phương tiện nguy hiểm hay không?).
-Trường hợp thứ hai là: Nếu như dựa theo giám định của cơ quan chức năng cho rằng đây là phương tiện không nguy hiểm thì anh sẽ phải thực hiện các biện pháp bồi thường thiệt hại cho anh H do sức khỏe bị xâm hại.
"Điều 609 bộ luật dân sự. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm
1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
2. Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.”
2/ hình thức xử lý
-Nếu như anh thuộc trường hợp thứ hai thì anh có thể thỏa thuận với anh H để anh H không yêu cầu khởi kiện ra tòa Căn cứ vào quy định tại điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định về khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại
"Điều 105. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại
1. Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất”.
Căn cứ vào quy định này thì nếu như phạm tội theo các quy định tại khoản 1 điều 104 nếu không thuộc tình tiết tăng nặng tại các điểm a, b,c,d, đ, e, f, g, h,i, k.thì chỉ được khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại. Nếu người bị hại rút đơn về thì vụ án phải được đình chỉ.
Như vậy, nếu anh thỏa thuận được với anh H thì anh sẽ không bị khởi tố hình sự. Để tránh tình trạng phải va chạm với pháp luật thì anh nên cố gắng hết sức để thỏa thuận với anh H.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp bạn hỏi. Nếu còn vướng mắc bạn vui lòng gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn chi tiết chính xác nhất.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư bào chữa, luật sư tham gia vụ án hình sự xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.