Chồng chung sống như vợ chồng với người khác phải chịu trách nhiệm thế nào?
12/04/2017 11:13
Vợ chồng tôi có hai con chung, năm nay cháu lớn 4 tuổi, cháu nhỏ 2 tuổi. Khi tôi mang bầu cháu nhỏ, chồng tôi đi xuất khẩu lao động.
Sau khi chồng tôi sang nước ngoài làm việc, mẹ con tôi có cuộc sống vô cùng khó khăn bởi chồng tôi đã không gửi tiền về cho mẹ con tôi sinh sống và không có tiền để trả khoản nợ lo cho anh đi nước ngoài. Mặt khác, chồng tôi còn chung sống với người phụ nữ khác và họ đã có hai con chung. Anh ta còn tuyên bố rằng sẽ về Việt Nam để ly hôn với tôi.
Tôi muốn biết chồng tôi và cô gái kia chung sống với nhau như vợ chồng khi chúng tôi chưa ly hôn thì có bị xử phạt không?
Tôi muốn kiện chồng tôi để anh ta phải có trách nhiệm với mẹ con tôi trong khoảng thời gian tôi nuôi con một mình và cả sau khi ly hôn có được không? Nếu được thì tôi phải làm thủ tục như thế nào?
Về nội dung bạn thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời cho bạn như sau:
Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì “Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ” là hành vi bị cấm. Do đó, chồng bạn chung sống với người phụ nữ khác khi hai vợ chồng bạn chưa ly hôn là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của chồng bạn và cô gái kia mà họ có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật như sau:
Về xử phạt hành chính:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 thì phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ…
Về truy cứu trách nhiệm hình sự:
Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng được quy định tại Điều 147 Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 như sau: “Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm…”
Theo quy định tại tiểu mục 3.2 mục 3 Thông tư số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/9/2001 thì để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng thì phải thuộc một trong các trường hợp sau đây: Hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây hậu quả nghiêm trọng có thể là làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát, v.v...; Người vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Theo trình bày của bạn thì chồng bạn đã bỏ mặc mẹ con bạn từ khi ra nước ngoài làm việc, đây là hành vi trái đạo đức và là hành vi phạm pháp luật. Do đó, chồng bạn phải có trách nhiệm đối với mẹ con bạn theo quy định của pháp luật như sau:
Theo quy định tại Điều 110 Luật HNGĐ 2014 thì “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”.
Bên cạnh đó, Điều 115 Luật HNGĐ 2014 cũng quy định nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ chồng khi ly hôn như sau: “Khi ly hôn nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình”.
Như vậy, dù chồng bạn chung sống với con bạn hay không thì anh ấy vẫn phải có trách nhiệm cấp dưỡng cho con bạn. Trong trường hợp vợ chồng bạn ly hôn mà bạn đưa ra được lý do chính đáng để yêu cầu chồng bạn phải cấp dưỡng thì chồng bạn phải cấp dưỡng cho bạn.
Ngoài nghĩa vụ cấp dưỡng ra, chồng bạn còn phải có trách nhiệm liên đới trả nợ với bạn các khoản nợ như nghĩa vụ trả nợ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng bạn cùng thỏa thuận xác lập (khoản tiền vay để cho chồng bạn đi nước ngoài – nếu có) hoặc nghĩa vụ do bạn thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình…(Điều 27 Luật HNGĐ 2014). Bên cạnh đó, nếu vợ chồng bạn ly hôn thì tài sản hiện nay của chồng bạn (nếu có) cũng sẽ là tài sản chung vợ chồng (khoản 1 Điều 33 Luật HNGĐ 2014). Do đó, trường hợp bạn yêu cầu chia tài sản chung vợ chồng khi ly hôn hoặc chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thì bạn bạn có quyền được chia số tài sản của chồng bạn đang có hiện tại theo quy định tại khoản 2 Điều 59 và khoản 1 Điều 38 Luật HNGĐ 2014.
Để có căn cứ cho việc chồng bạn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng và các nghĩa vụ khác, bạn cần làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án án giải quyết. Hồ sơ khởi kiện bao gồm:
- Đơn khởi kiện (theo mẫu);
- Các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp (Giấy khai sinh của con…)
- Chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu gia đình (có chứng thực)
- Các giấy tờ liên quan khác (nếu có)
- Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn khởi kiện (ghi rõ số lượng bản chính, bản sao).
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư bào chữa, luật sư tham gia vụ án hình sự xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.