Cầm cố xe không chuộc ra có phải lừa đảo chiếm đoạt tài sản không?
28/03/2017 11:33Bạn của em tôi có cầm xe vì sợ gia đình mắng nên bạn của em tôi có năn nỉ em tôi thế xe vào, khi về nhà lấy đồ xong sẽ xuống thế xe vào lấy xe của em tôi ra. Lúc cầm đồ có em tôi đi chung và xe của em tôi là xe chính chủ. Vì là chỗ quen của bạn em tôi nên chủ tiệm không đưa biên nhận cho em tôi vì nghe bạn của em tôi nói là thế xe chút rồi lấy ra. Tuy nhiên khi về nhà xong thì bạn của em tôi nói gia đình không cho lấy xe nên giờ xe em tôi vẫn còn nằm ở tiệm cầm đồ. Chủ tiệm nói nếu không chuộc hoặc đóng lãi thì sẽ bán xe của em tôi. Vậy cho tôi hỏi, đó có phải là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không? Nếu có thì làm thế nào để lấy xe của em tôi ra?
Về nội dung bạn đang thắc mắc, Công ty luật Bảo chính trả lời như sau:
Trong trường hợp của em bạn, chưa đủ căn cứ để kết luận hành vi của người bạn kia có phải hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không? Việc em bạn làm là hoàn toàn tự nguyện và không có yếu tố nào ép buộc, đồng thời tài sản cũng không bị hư hỏng, mất mát nhưng hiện nằm trong sự quản lý,chiếm hữu của bên cầm đồ. Tuy không phải là người trực tiếp chiếm hữu tài sản nhưng hành vi của người bạn của em bạn đã ảnh hưởng đến tài sản của em bạn nên hành vi của người bạn của em bạn trong trường hợp này có thể bị xem xét theo quy định tạiĐiều 139 và Điều 140 Bộ luật hình sự sửa đổi 2009 .
Khoản 1 Điều 139 Bộ luật hình sự sửa đổi 2009 quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”
Như vậy, không xét đến những yếu tố về chủ thể, hậu quả thì đặc trưng của hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chính là thủ đoạn gian dối. Hành vi gian dối xuất hiện ngay tại thời diểm đầu tiên, người phạm tội thực hiện hành vi gian dối nhằm mục đích có được tài sản để thực hiện mục đích chiếm đoạt. Trong trường hợp này, nếu người bạn đã nói dối em của bạn ngay từ đầu về việc thế xe, tức là không có ý định đem xe của mình để chuộc xe của em bạn ra thì đó chính là hành vi gian dối của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, nếu ý định chiếm đoạt tài sản phát sinh sau thời điểm thế xe, chẳng hạn vì lý do gia đình không đồng ý và bản thân không có khả năng nên người bạn mới nảy sinh ý định rời khỏi địa phương, không chịu giải quyết vấn đề thì hành vi này có thể bị xác định là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Khoản 1 Điều 140 Bộ luật hình sự sửa đổi 2009 như sau:
Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Như vậy, tùy từng trường hợp và trên cơ sở đánh giá những yếu tố khách quan, chủ quan khác trong tình huống mới có thể kết luận chính xác hành vi của người bạn của em bạn trong tình huống này.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn.
Chúc bạn luôn mạnh khỏe!
Trân trọng.
Gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trong trường hợp quý khách muốn mời luật sư bào chữa, luật sư tham gia vụ án hình sự xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.