Bồi thường sau khi xét xử sơ thẩm có được coi là tình tiết giảm nhẹ hay không?
05/07/2017 11:21
Bồi thường sau khi xét xử sơ thẩm có được coi là tình tiết giảm nhẹ?
A bị bạn bè rủ rê đi đánh nhau với thanh niên xóm bên để trả thù việc nhóm thanh niên này đã đánh mình. Với hành vi trên, A đã bị Tòa án xử phạt mười bốn tháng tù về tội gây rối trật tự công cộng. Sau khi xét xử sơ thẩm, A kháng cáo xin giảm hình phạt, gia đình A cũng đã nộp đủ tiền bồi thường cho gia đình người bị hại theo quyết định của Bản án sơ thẩm. Vì vậy, Tòa án cấp phúc thẩm đã cho A được hưởng án treo. Tuy nhiên, tại Quyết định giám đốc thẩm, Hội đồng giám đốc thẩm lại hủy bản án của Tòa án cấp phúc thẩm, trả lại hồ sơ vụ án để xét xử lại theo hướng không cho A hưởng án treo vì cho rằng việc A nộp tiền bồi thường thiệt hại cho nạn nhân sau khi xét xử sơ thẩm không phải là tình tiết giảm nhẹ. Quyết định giám đốc thẩm như vậy là đúng hay sai?
Xin cảm ơn.
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn cho bạn như sau:
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 BLHS thì người phạm tội phải tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả mới được hưởng tình tiết giảm nhẹ. Vì vậy, nếu chỉ sau khi xét xử sơ thẩm A mới nộp tiền bồi thường thiệt hại cho nạn nhân thì A sẽ không được hưởng tình tiết giảm nhẹ này.
Tiểu mục 6.1 Mục 6 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS năm 1999 về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt như sau:
“Chỉ cho người bị xử phạt tù hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Bị xử phạt tù không quá ba năm, không phân biệt về tội gì;
Trường hợp người bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội mà khi tổng hợp hình phạt, hình phạt chung không quá ba năm tù, thì cũng có thể cho hưởng án treo.
b) Có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân; chưa có tiền án, tiền sự; có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú cụ thể, rõ ràng;
c) Có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên và không có tình tiết tăng nặng, trong đó có ít nhất là một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của BLHS. Trường hợp vừa có tình tiết giảm nhẹ vừa có tình tiết tăng nặng, thì tình tiết giảm nhẹ phải nhiều hơn tình tiết tăng nặng từ hai tình tiết trở lên;
d) Nếu không bắt họ đi chấp hành hình phạt tù thì không gây nguy hiểm cho xã hội hoặc không gây ảnh hưởng xấu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.”
Căn cứ vào các quy định trên và các tình tiết của vụ án, Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử lại theo hướng không cho A được hưởng án treo là hoàn toàn chính xác.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi Bồi thường sau khi xét xử sơ thẩm có được coi là tình tiết giảm nhẹ? nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Trân trọng!”