Biết người khác phạm tội nhưng không tố giác
11/04/2017 21:05
Thưa luật sư,
Hiện nay tôi có vấn đề thắc mắc muốn luật sư tư vấn như sau:
Tôi có chứng kiến một vụ trộm cắp ô tô, tôi có thấy được mặt tên tội phạm nhưng tôi đã không lên công an báo cáo, chiếc ô tô đó cũng đã bị tên trộm đó lấy cắp và không có ăn ngăn chặn lại được vụ trộm đó. Tôi có nghe nói biết người khác phạm tội mà không tố giác thì cũng sẽ phạm tội.
Vậy luật sư cho tôi hỏi: tôi có phạm tội gì không? Mong luật sư tư vấn giúp, cảm ơn luật sư!
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Về nội dung bạn thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời cho bạn như sau:
Theo như thông tin bạn cung cấp, bạn đã chứng kiến một vụ trộm cắp xe ô tô, thậm chí bạn còn nhìn rõ mặt của người phạm tội. Do đó, bạn có thể có đủ dấu hiệu cấu thành tội không tố giác tội phạm theo Điều 314 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2009:
"1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm được quy định tại Điều 313 của Bộ luật này đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về việc không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng theo quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.”
Theo đó, hành vi trộm chiếc ô tô của người phạm tội đã cấu thành tội Trộm cắp tài sản theo Điều 138 Bộ luật Hình sự, nếu chỉ xét đến giá trị của chiếc ô tô đó thì ô tô là tài sản có giá trị lớn, do đó hành vi trộm cắp ô tô có thể thuộc các khoản 2, 3 và 4 Điều 138 với mức xử phạt khác nhau, cụ thể:
"2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng."
Bên cạnh đó, các khoản 2, 3 và 4 Điều 138 về tội trộm cắp tài sản thuộc một trong các tội quy định tại Điều 313, chính vì vậy, hành vi của bạn thấy, biết rõ người khác đang trộm cắp ô tô mà vẫn để hành vi đó tiếp tục thực hiện, dẫn đến hậu quả ô tô đó bị trộm mất. Do đó, hành vi của bạn có thể cấu thành tội không tố giác tội phạm theo Điều 314 Bộ luật hình sự. Trừ trường hợp, bạn là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội thì bạn chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về việc không tố giác nếu chiếc xe bị chiếm đoạt có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên đây là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp bạn hỏi. Nếu còn vướng mắc bạn vui lòng gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn chi tiết chính xác nhất.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư bào chữa, luật sư tham gia vụ án hình sự xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.