Bị can không có người bào chữa từ giai đoạn điều tra thì sẽ xử lý như thế nào?
06/07/2017 10:53
Bị can không có người bào chữa từ giai đoạn điều tra thì xử lý như thế nào?
Viện kiểm sát truy tố bị can A (17 tuổi tại thời điểm bị truy tố) và B về tội cướp tài sản.
1. Khi nghiên cứu hồ sơ chuẩn bị xét xử, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa nhận thấy A không có người bào chữa từ giai đoạn điều tra thì phải giải quyết như thế nào? Tại sao?
2. Giả sử tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy ngoài hành vi cướp tài sản, A và B còn đồng phạm tội trộm cắp tài sản cần được điều tra thì phải giải quyết như thế nào?
Xin cảm ơn.
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn cho bạn như sau:
Về việc A không có người bào chữa từ giai đoạn điều tra, có hai trường hợp xảy ra:
- Trường hợp 1: Trong giai đoạn điều tra, A và người đại diện hợp pháp từ chối người bào chữa thì Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa vẫn mở phiên tòa xét xử.
- Trường hợp 2: Cơ quan điều tra không yêu cầu cử người bào chữa chỉ định cho A thì Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Theo quy định tại Điều 179 BLTTHS thì Thẩm phán ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung trong những trường hợp sau đây:
- Khi cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung tại phiên tòa được;
- Khi có căn cứ để cho rằng bị cáo phạm một tội khác hoặc có đồng phạm khác;
- Khi phát hiện có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Những vấn đề cần điều tra bổ sung phải được nêu rõ trong quyết định yêu cầu điều tra bổ sung.
Nếu kết quả điều tra bổ sung dẫn tới việc đình chỉ vụ án thì Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án và thông báo cho Tòa án biết.
Trong trường hợp Viện kiểm sát không bổ sung được những vấn đề mà Tòa án yêu cầu bổ sung và vẫn giữ nguyên quyết định truy tố thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án.
2. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy ngoài hành vi cướp tài sản, A và B còn đồng phạm tội trộm cắp tài sản cần được điều tra thì giải quyết như sau:
- Yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án; hoặc
- Tự ra quyết định khởi tố vụ án.
Theo quy định tại Điều 104 BLTTHS:
“1. Khi xác định có dấu hiệu tội phạm thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Thủ trưởng đơn vị Bộ đội biên phòng, cơ quan Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và Thủ trưởng các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định khởi tố vụ án trong những trường hợp quy định tại Điều 111 của Bộ luật này.
Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp Viện kiểm sát huỷ bỏ quyết định không khởi tố vụ án của các cơ quan quy định tại khoản này và trong trường hợp Hội đồng xét xử yêu cầu khởi tố vụ án.
Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra.
2. Quyết định khởi tố vụ án hình sự phải ghi rõ thời gian, căn cứ khởi tố, điều khoản của Bộ luật hình sự được áp dụng và họ tên, chức vụ người ra quyết định.
3. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, Viện kiểm sát phải gửi quyết định đó đến Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra; quyết định khởi tố kèm theo tài liệu liên quan đến việc khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được gửi tới Viện kiểm sát để kiểm sát việc khởi tố; quyết định khởi tố của Hội đồng xét xử phải được gửi tới Viện kiểm sát để xem xét, quyết định việc điều tra; yêu cầu khởi tố của Hội đồng xét xử được gửi cho Viện kiểm sát để xem xét, quyết định việc khởi tố.”
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi “Bị can không có người bào chữa từ giai đoạn điều tra thì xử lý như thế nào?”, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Trân trọng!”