Ăn trộm nhưng nhân thân tốt có phải đi tù không?
07/12/2016 10:27Em chào Luật sư.Luật sư cho em hỏi. Em sinh năm 1998 em có chót ăn trộm 1 cái đt bán được 4,6 triệu đồng thân nhân trong sạch. Em đã trả lại chiếc điện thoại cho người bị mất. Cho em hỏi liệu em có phải đi tù không ạ. Em xin cảm ơn. QuangNgoc23498 Hà Nội
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn cho bạn Quangngoc23498 như sau:
Trước hết hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác như em nêu là hành vi vi phạm pháp luật về quyền sở hữu tài sản của công dân, với giá trị tài sản là 4.6 triệu như em nêu thì có dấu hiệu vi phạm điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 điều luật quy định:
"Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản,chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm".
Trường hợp vụ án được khởi tố và em bị khởi tố bị can thì với các thông tin em cung cấp, cơ quan tố tụng sẽ điều tra, xét xử đối với hành vi của em theo khoản 1, Điều 138 Bộ luật Hình sự với hình phạt từ "phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm".
Về hình thức chấp hành hình phạt nếu mức án của em dưới 3 năm - dưới 36 tháng tù, căn cứ vào nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ của em Tòa án có thể cho em được hưởng án treo theo quy định tại Điều 60 của Bộ luật Hình sự. "Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm."
Bên cạnh đó theo quy định tại Khoản 1, Điều 2, Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân Tối cao thì chỉ xem xét cho hưởng án treo đối với người bị kết án phạt tù trong các trường hợp:
a) Bị xử phạt tù không quá 3 năm về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng theo phân loại tội phạm quy định tại khoản 3 Điều 8 của Bộ luật hình sự;
b) Có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn tôn trọng các quy tắc xã hội, chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân nơi cư trú, công tác; không vi phạm các điều mà pháp luật cấm; chưa bao giờ bị kết án, bị xử lý vi phạm hành chính, bị xử lý kỷ luật.
c) Có nơi cư trú cụ thể, rõ ràng;
d) Không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 48 của Bộ luật hình sự và có từ hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên trong đó có ít nhất một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật hình sự; nếu có một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì phải có từ ba tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật hình sự.
đ) Có khả năng tự cải tạo và nếu không bắt họ đi chấp hành hình phạt tù thì không gây ảnh hưởng xấu đến cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là các tội phạm về tham nhũng.
Trên đây là nội dung tư vấn của luật sư cho trường hợp bạn Quangngoc23498 quan tâm. Nếu còn vướng mắc em có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi điện trực tiếp đến Công ty của chúng tôi để được luật sư tư vấn giúp đỡ.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư bào chữa, luật sư tham gia vụ án hình sự xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.