Xin chuyển trường cho con học tiểu học
10/08/2017 14:58Xin chuyển trường cho con học tiểu học? Gia đình tôi ở Quảng Ninh. Tôi có con bắt đầu vào lớp 1 đã có danh sách tại trường theo hộ khẩu ở Quảng Ninh. Do điều kiện kinh tế tôi chuyển con tôi về quê ở Thái Bình cho ông ngoại. Hiện tại tôi đang làm đơn xin chuyển trường cho con từ Quảng Ninh về Thái Bình và trường tiểu học tại Thái Bình đã có xác nhận đồng ý nhận con tôi. Nhưng khi rút hồ sơ nhà trường yêu cầu tôi xác nhận trên đơn xin chuyển trường (đánh máy) viết tay nội dung là sau này nếu con chuyển về thì sẽ cho con học tại trường đó. Tôi viết xác nhận để được rút hồ sơ và giấy giới thiệu chuyển đi 2. Hiện tại do cháu nhỏ nhớ bố mẹ nên tôi phải chuyển cháu về Quảng Ninh học đồng thời gia đình tôi chuyển đến nơi ở mới (có hộ khẩu của nơi ở mới trước khi cháu chuyển đi Thái Bình). Nếu căn cứ theo khẩu mới thì cháu phải chuyển về 1 trường khác trên địa bàn cùng với trường trước (trong cùng thị xã trường được phân theo khu phố trên hộ khẩu). Vậy tôi xin luật sư tư vấn giúp tôi liệu con tôi có được về trường mới để học theo hộ khẩu không? Và xác nhận của tôi trên đơn chuyển trường lần đầu có ảnh hưởng gì không. Và trường hợp này tôi phải xử lý như thế nào? Tôi xin nói thêm là chỗ ở mới của vợ chồng tôi là nhà của chị gái chồng ở đó chỉ có sổ đỏ tên chị chồng tôi, anh chị tôi hiện ở nước ngoài và cũng chưa chuyển khẩu về đó. Tức là mảnh đất của anh chị ấy chỉ có khẩu của gia đình tôi, còn khẩu của anh chị ở nhà khác. Mong được sự giúp đỡ sớm nhất của luật sư. Tôi xin trân trọng cảm ơn.
Công ty Luật Bảo Chính cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi, chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn như sau:
Theo thông tin bạn cung cấp, trước bạn có nguyện vong cho con chuyển từ Quảng Ninh về Thái Bình học và đã hoàn thành đầy đủ thủ tục. Nhưng sau đó bạn đã rút hồ sơ ở Quảng Ninh và quay về Thái Bình học nhưng phải chuyển về 1 trường khác trên địa bàn.
Tại Văn bản hợp nhất Thông tư ban hành Điều lệ trường tiểu học cụ thể là Điều 40a (Điều này được sửa đổi theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Thông tư số 50/2012/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Điều 40; bổ sung điều 40a của Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT ngày 30/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ Trường Tiểu học, có hiệu lực kể từ ngày 01/02/2013) quy định về học sinh chuyển trường như sau:
"Học sinh trong độ tuổi tiểu học có nhu cầu học chuyển trường, được chuyển đến trường tiểu học tại nơi cư trú hoặc trường tiểu học ngoài nơi cư trú nếu trường tiếp nhận đồng ý, hồ sơ gồm:
- Đơn xin học chuyển trường của cha mẹ hoặc người đỡ đầu học sinh;
- Học bạ;
- Bản sao giấy khai sinh;
- Bảng kết quả học tập (đối với trường hợp học chuyển trường trong năm học).
Về thủ tục chuyển trường được quy định như sau:
- Cha mẹ hoặc người đỡ đầu học sinh gửi đơn xin học chuyển trường cho nhà trường nơi chuyển đến;
- Trong thời hạn 01 ngày làm việc, hiệu trưởng trường nơi chuyển đến có ý kiến đồng ý tiếp nhận vào đơn, trường hợp không đồng ý phải ghi rõ lý do vào đơn và trả lại đơn cho cha mẹ hoặc người đỡ đầu học sinh;
- Cha mẹ hoặc người đỡ đầu học sinh gửi đơn cho nhà trường nơi chuyển đi. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, hiệu trưởng trường nơi chuyển đi có trách nhiệm trả hồ sơ cho học sinh gồm:
- Giấy đồng ý cho học sinh học chuyển trường;
- Học bạ;
- Bản sao giấy khai sinh;
- Bảng kết quả học tập (đối với trường hợp học chuyển trường trong năm học).
Cha mẹ hoặc người đỡ đầu học sinh nộp toàn bộ hồ sơ quy định tại khoản 3 Điều này cho nhà trường nơi chuyển đến; Trong thời hạn 01 ngày làm việc, hiệu trưởng trường nơi đến tiếp nhận và xếp học sinh vào lớp."
Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên, quan trọng là hiệu trưởng nhà trường mà bạn muốn chuyển conbạn đến học đồng ý tiếp nhận và hiệu trường nhà trường mà con bạn đang theo học đồng ý cho con chuyển đi, sau đó cả hai bên tiến hành các thủ tục theo quy định thì con bạn sẽ được chuyển trường theo ý nguyện của gia đình.
Trên đây là nội dung tư vấn của công ty Luật Bảo Chính cho câu hỏi về “Xin chuyển trường cho con học tiểu học?”, cho bạn, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi thông tin về cho chúng tôi để được giải đáp hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn trực tiếp.
Trân trọng!