Xác nhận quá trình thực hành trong luật khám chữa bệnh 2009
04/05/2017 15:34
Thưa luật sư!. Tôi có chút thắc mắc mong được luật sư hỗ trợ. Tôi tốt nghiệp trung cấp điều dưỡng tại cao đẳng P- Đà Nẵng. Đã thực tập 1 năm ở bệnh viện cấp thị xã thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Đầu năm 2015 tôi vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống và đã làm vị trí điều dưỡng ở Phòng khám đa khoa V được trên 9 tháng đủ thời gian để làm chứng chỉ hành nghề điều dưỡng theo quy định hiện hành.
Tôi làm hồ sơ xin làm CCHN thì tôi được yêu cầu trong bộ hồ sơ để làm CCHN phải có thêm xác nhận tạm trú ở Hồ Chí Minh trên 9 tháng. Nhưng hiện tại tôi vừa thuê trọ đc trên 3 tháng. Nên tôi ko thể ra phường chứng nhận tạm trú ở trên 6 tháng. Vì trước đó tôi ở nhà bà con nên không có ra phường xin xác nhận đã ở thành phố Hố Chí Minh trước đó tại nhà người quen. Vậy cho hỏi. Tôi có thể bổ sung xác nhận tạm trú mốc thời gian hiện tại hoặc trước đó 3 tháng đc không. Hay bắt buộc tôi phải xác nhận tạm trú trên 9 tháng. Và những hồ sơ cần thiết để làm CCHN tại sở y tế tp HCM là gì ?
Mong luật sư giải đáp. Tôi xin chân thành cám ơn!
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cám ơn bạn đã gửi thông tin xin tư vấn đế cho chúng tôi.
Về vấn đề bạn còn đang thắc mắc, chúng tôi tư vấn như sau:
Luật khám chữa bệnh 2009 quy định:
Điều 24. Xác nhận quá trình thực hành
1. Người có văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam, trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề, phải qua thời gian thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau đây:
a) 18 tháng thực hành tại bệnh viện, viện nghiên cứu có giường bệnh (sau đây gọi chung là bệnh viện) đối với bác sỹ;
b) 12 tháng thực hành tại bệnh viện đối với y sỹ;
c) 09 tháng thực hành tại bệnh viện có khoa phụ sản hoặc tại nhà hộ sinh đối với hộ sinh viên;
d) 09 tháng thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với điều dưỡng viên, kỹ thuật viên.
Đối với y điều dưỡng bạn phải có xác nhận thực hành của cơ quan nơi bạn thực hành 9 tháng trở lên
Điều 27 Luật khám chữa bệnh 2009 và điều 7 Thông tư số 41/2011/TT-BYT hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định hồ sơ xin cấp giấy phép hành nghề y (chứng chỉ hành nghề) gồm có:
- Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề theo mẫu 01 quy định tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này và hai ảnh 04 x 06 cm được chụp trên nền trắng trong thời gian không quá 06 tháng tính đến ngày nộp đơn;
- Bản sao hợp pháp bằng cấp, giấy chứng nhận trình độ chuyên môn phù hợp với phạm vi hành nghề;
- Giấy xác nhận quá trình thực hành hợp pháp do Thủ trưởng cơ quan xác nhận (đối với cán bộ đang công tác); Đối với cán bộ nghỉ hưu hoặc đã nghỉ công tác có thể thay thế bằng sổ bảo hiểm xã hội hoặc bản xác nhận quá trình tham gia bảo hiểm xã hội. Nếu thời gian thực hành là tại các cơ sở y, dược tư nhân thì phải có giấy xác nhận thời gian thực hành và kèm theo bản sao hợp đồng lao động;
- Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) nơi cư trú hoặc xác nhận của thủ trưởng đơn vị nơi công tác;
- Giấy chứng nhận đủ sức khoẻ để hành nghề do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế cấp.
- Giấy đồng ý cho phép hành nghề y, dược tư nhân ngoài giờ hành chính của Thủ trưởng cơ quan (đối với cán bộ đang công tác); Bản sao hợp pháp Quyết định về hưu hoặc nghỉ việc (đối với các bộ đã nghỉ hưu hoặc đã nghỉ việc);
- Bản cam kết thực hiện đúng các quy định của luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh và các quy chế chuyên môn có liên quan (theo mẫu);
- Bản photo hộ khẩu thường trú và chứng minh (khi nộp hồ sơ mang theo bản gốc để đối chiếu);
- Phiếu lý lịch tư pháp.
Theo quy định tại Điều 27 Luật Khám chữa bệnh 2009 thì về hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề phải có sơ yếu lý lịch có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) nơi cư trú, tức là chỗ ở hợp pháp mà bạn thường xuyên sinh sống bao gồm cả nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Chứ luật không quy định là phải tạm trú hay thường trú bao nhiêu lâu mới được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu có trở ngại trong việc xin xác nhận nơi tạm trú thì bạn có thể xin xác nhận nơi bạn thường trú thì hồ sơ của bạn vẫn được coi là hợp lệ.
Trình tự thực hiện
Điều 28 Luật khám chữa bệnh 2009 và điều 7 Thông tư số 41/2011/TT-BYT hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định về trình tự, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề y được thực hiện như sau:
Bước 1:
- Người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề là người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế; Người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc các bộ khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 26 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009; Người nước ngoài đến hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam gửi 01 bộ hồ sơ về Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế;
- Người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề là người người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn quản lý, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 26 Luật khám chữa bệnh gửi 01 bộ hồ sơ về Sở Y tế tỉnh.
Bước 2: Trình tự xem xét đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề
a) Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề, Bộ Y tế hoặc Sở Y tế tỉnh (sau đây gọi tắt là cơ quan tiếp nhận hồ sơ) gửi cho người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại Phụ lục 03 ban hành kèm theo Thông tư 41/2011/TT-BYT hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
b) Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Giám đốc Sở Y tế phải cấp chứng chỉ hành nghề; trường hợp cần xác minh đối với người được đào tạo ở nước ngoài hoặc có chứng chỉ hành nghề do nước ngoài cấp thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 180 ngày; nếu không cấp chứng chỉ hành nghề thì phải trả lời bằng văn bản và nêu lý do.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Giám đốc Sở Y tế phải cấp lại chứng chỉ hành nghề; nếu không cấp lại chứng chỉ hành nghề thì phải trả lời bằng văn bản và nêu lý do.
c) Trường hợp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề chưa hợp lệ thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải có văn bản thông báo cho người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề để hoàn chỉnh hồ sơ. Văn bản thông báo phải nêu cụ thể là bổ sung thêm những tài liệu nào, sửa đổi nội dung gì;
Khi nhận được văn bản yêu cầu hoàn chỉnh hồ sơ, người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề phải sửa đổi, bổ sung theo đúng những nội dung đã được ghi trong văn bản và gửi về cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Ngày tiếp nhận hồ sơ bổ sung được ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ. Nếu cơ quan tiếp nhận hồ sơ không có văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung thì phải cấp chứng chỉ hành nghề trong thời gian quy định;
Trường hợp người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề đã bổ sung hồ sơ nhưng không đúng với yêu cầu thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ thông báo cho người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề để tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định ;
Bước ba: Thành lập hội đồng tư vấn
Bộ trưởng Bộ Y tế thành lập Hội đồng tư vấn với sự tham gia của đại diện tổ chức xã hội - nghề nghiệp về y, hội luật gia, cơ sở đào tạo y khoa, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tổ chức xã hội về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và một số tổ chức xã hội khác để tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Y tế trong việc cấp, xây dựng các tiêu chuẩn công nhận nội dung, hình thức cập nhật kiến thức y khoa liên tục và điều kiện đối với các cơ sở thực hiện cập nhật kiến thức y khoa liên tục; quy định nội dung, hình thức và tổ chức kiểm tra để xác nhận bằng văn bản người biết tiếng Việt thành thạo và người đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh.
Giám đốc Sở Y tế thành lập Hội đồng tư vấn với sự tham gia của đại diện tổ chức xã hội – nghề nghiệp về y, hội luật gia, cơ sở đào tạo y khoa, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tổ chức xã hội về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và một số tổ chức xã hội khác để tư vấn cho Giám đốc Sở Y tế trong việc cấp chứng chỉ hành nghề.
Bước bốn: Cấp chứng chỉ hành nghề
Chứng chỉ hành nghề do Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế tỉnh cấp theo mẫu quy định tại Phụ lục 04 và theo mã số quy định tại Phụ lục 05 ban hành kèm theo Thông tư 41/2011/TT-BYT và mỗi cá nhân chỉ được cấp một chứng chỉ hành nghề. Phôi chứng chỉ hành nghề do Bộ Y tế quản lý và cung cấp.
Bản sao chứng chỉ hành nghề và hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề được lưu tại cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp bạn hỏi. Nếu còn vướng mắc bạn có thể hỏi tiếp hoặc nghe luật sư tư vấn khi gọi 19006281.
Trân trọng.
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.