Tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên
04/05/2017 15:43
Thưa luật sư!. Đơn vị tôi là Trung tâm Dịch vụ việc làm, trực thuộc Sở lao động Thương binh xã hội. Vừa rồi, Sở lao động Thương binh xã hội có thuê đơn vị tôi thực hiện nhập tin cung cầu lao động, đơn giá là 1000đ/tin, tổng giá trị hợp đồng là 47.000.000.
Căn cứ vào hợp đồng trên đơn vị tôi bố trí 5 người để thực hiện, và tính tiền theo số lượng tin mà mỗi người nhập được. Sau khi hoàn thành công việc, đơn vị tôi được Sở chuyển số tiền theo hợp đồng là 47.000.000. Nhưng khi nhận tiền về thì Giám đốc bên đơn vị tôi bắt kế toán phải trích lập quỹ cải cách tiền lương là 40%, và chỉ chi trên 60% số tiền đó cho 5 người thực hiện. Giám đốc căn cứ vào 2 văn bản sau: Khoản 2 Điều 21 của Nghị định 43/2006/NĐ-CP, vì ông ta cho rằng đây là một nguồn thu của đơn vị, còn việc trích lập quỹ thì căn cứ vào Thông tư 103/2016/TT-BTC ngày 29/6/2016, Điều 3, khoản 3, mục c thông tư này quy định:" Đối với số thu dịch vụ, các hoạt động liên doanh liên kết và các khoản thu khác của đơn vị sự nghiệp (ngoài khoản thu theo Pháp lệnh phí và lệ phí): 40% số thu để thực hiện cải cách tiền lương được tính trên toàn bộ số thu của các hoạt động trên sau khi trừ các chi phí liên quan." Theo như lập luận của Giám đốc tôi thì số tiền thu từ hợp đồng trên được xem là nguồn thu khác của đơn vị cho nên phải trích lập quỹ để cải cách tiền lương. Như vậy, việc mà Giám đốc tôi làm có đúng không? Chúng tôi rất bức xúc, vì theo chúng tôi Sở LĐTB-XH thuê chúng tôi làm và Giám đốc là người đại diện ký hợp đồng, thì không thể được xem là nguồn thu của đơn vị được (không thuê hết người của đơn vị). Đây được xem như là hợp đồng theo sản phẩm công việc, chúng tôi hoàn thành xong việc thì phải chi đầy đủ theo sản phẩm chứ sao lại trích lập vào quỹ của ngân sách. Chúng tôi có đưa ra ý kiến là Sở Lao động Thương binh và Xã hội nên thuê người ngoài để làm, nhưng Sở không chịu vì họ nói công việc này có liên quan đến nhiệm vụ chính trị của đơn vị, vì số lượng nhập tin lao động được xem là nguồn cung lao động để khai thác số liệu sau này. Giờ chúng tôi phải làm thế nào, mong luật sư tư vấn giúp.
Tôi xin chân thành cảm ơn
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cám ơn bạn đã gửi thông tin xin tư vấn đế cho chúng tôi.
Về vấn đề bạn còn đang thắc mắc, chúng tôi tư vấn như sau:
Hiện nay Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ : Nghị định quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập đã được thay thế bởi nghị định 16/2015/NĐ-CP về quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Theo quy định tại Nghị định này thì nếu Trung tâm Dịch vụ việc làm là đơn vị sự nghiệp công nhưng tự chủ về mặt tài chính đảm bảo chi thường xuyên thì các nguồn thu được quy định như sau:
"Điều 13. Tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên
1. Nguồn tài chính của đơn vị
a) Nguồn thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công, bao gồm cả nguồn ngân sách nhà nước đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá tính đủ chi phí;
b) Nguồn thu phí theo pháp luật về phí, lệ phí được để lại chi theo quy định (phần được để lại chi hoạt động thường xuyên và chi mua sắm, sửa chữa lớn trang thiết bị, tài sản phục vụ công tác thu phí);
c) Nguồn thu khác theo quy định của pháp luật (nếu có);
d) Nguồn ngân sách nhà nước cấp cho các nhiệm vụ không thường xuyên quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 12 Nghị định này (nếu có);
đ) Nguồn vốn vay, viện trợ, tài trợ theo quy định của pháp luật.
2. Sử dụng nguồn tài chính:
a) Chi thường xuyên: Đơn vị được chủ động sử dụng các nguồn tài chính giao tự chủ quy định tại Điểm a, Điểm b (phần được để lại chi hoạt động thường xuyên) và Điểm c Khoản 1 Điều này để chi thường xuyên theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 12 Nghị định này;
b) Chi nhiệm vụ không thường xuyên: Đơn vị chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật hiện hành đối với từng nguồn kinh phí quy định tại Điểm b (phần được để lại chi mua sắm, sửa chữa lớn trang thiết bị, tài sản phục vụ công tác thu phí), Điểm d và Điểm đ Khoản 1 Điều này.
3. Phân phối kết quả tài chính trong năm theo quy định tại Khoản 3 Điều 12. Riêng trích lập Quỹ bổ sung thu nhập tối đa không quá 3 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp lương do Nhà nước quy định."
Vây, vì Giám đốc là người đại diện ký hợp đồng lao động, sử dụng nguồn nhân lực ở trong trung tâm để cung cấp dịch vụ việc làm nên khoản tiền 47.000.000 là khoản thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ của Trung tâm dịch vụ việc làm. Nếu từng cá nhân ký hợp đồng lao động với Sở lao động thương bình và xã hội thì không phải trích lập nguồn thu này để cải cách tiền lương.
Hiện tại thông tư số Thông tư 103/2016/TT-BTC nhu cầu chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định 47/2016/NĐ-CP chưa có hiệu lực. Việc trích lập từ hoạt động cung cấp dịch vụ của công ty theo Điều 3 khoản 3 Thông tư số 104/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính : Hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức như sau:
"3. Số thu được để lại theo chế độ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 3 nêu trên không được trừ chi phí trực tiếp phục vụ cho công tác thu trong trường hợp số thu này là thu từ các công việc, dịch vụ do Nhà nước đầu tư hoặc từ các công việc, dịch vụ thuộc đặc quyền của Nhà nước và đã được ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí cho hoạt động thu (số thu học phí để lại cho trường công lập,…). Số thu được để lại theo chế độ được trừ chi phí trực tiếp phục vụ cho công tác thu trong trường hợp số thu này là thu từ các công việc, dịch vụ do Nhà nước đầu tư hoặc từ các công việc, dịch vụ thuộc đặc quyền của Nhà nước, nhưng chưa được ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí hoạt động thu. Ngoài ra, chú ý một số điểm sau:
a) Đối với học phí học sinh chính quy học các trường công lập: 40% số thu để thực hiện chế độ cải cách tiền lương được tính trên toàn bộ số thu học phí của học sinh.
b) Đối với học phí từ các hoạt động đào tạo tại chức, liên doanh liên kết, các hoạt động đào tạo khác của các trường công lập: 40% số thu để thực hiện cải cách tiền lương được tính trên số thu học phí từ các hoạt động trên sau khi loại trừ các chi phí liên quan.
c) Đối với số thu dịch vụ, các hoạt động liên doanh liên kết và các khoản thu khác của đơn vị sự nghiệp (ngoài khoản thu theo Pháp lệnh Phí và Lệ phí): 40% số thu để thực hiện cải cách tiền lương được tính trên toàn bộ số thu của các hoạt động trên sau khi trừ các chi phí liên quan."
Vây, nếu Thông tư 103/2016/TT-BTC nhu cầu chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định 47/2016/NĐ-CP có hiệu lực thì vẫn phải trích lập 40% toàn bộ số thu từ việc cung cấp dịch vụ của đơn vị sự nghiệp công. Không phải trích 40% từ 47.000.000 mà phải trích 40% từ toàn bộ số thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ và hoạt động liên doanh liên kết và các khoản thu khác của đơn vị sự nghiệp.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp bạn hỏi. Nếu còn vướng mắc bạn có thể hỏi tiếp hoặc nghe luật sư tư vấn khi gọi 19006281.
Trân trọng.