Trường hợp cần xin phép và trả tiền khi sử dụng tác phẩm
28/03/2017 08:46Thưa luật sư, tôi có một thắc mắc mong muốn được luật sư giải đáp: vừa rồi tôi có viết một bài thơ và đăng trên một tờ báo, tôi cũng đã đăng ký tác phẩm này với cục sở hữu trí tuệ; hiện tôi có nhìn thấy một vài người khác sử dụng trực tiếp lời thơ của tôi để viết bài bình luận trên cùng tờ báo. Tôi muốn hỏi rằng khi người ta làm vậy thì có phải xin phép và trả tiền cho tôi hay không?
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin tư vấn.
Về nội dung bạn đang thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời như sau:
Trên tinh thần của pháp luật Việt Nam, quyền tác giả của bạn với tác phẩm cũng được coi là một loại tài sản thuộc sở hữu của bạn. Do đó, khi có ai khác ngoài bản sử dụng tác phẩm của bạn vì mục đích riêng thì có nghĩa là người đó đang gây ảnh hưởng tới quyền sở hữu của bạn. Vì vậy việc xin phép và trả tiền cho bạn là điều tất yếu.
Tuy nhiên, để đảm bảo cho sự phát triển đồng đều của toàn xã hội, đồng thời cũng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của công dân, pháp luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam có quy định những trường hợp sử dụng tác phẩm mà không cần phải xin phép, trả tiền cho tác giả. Cụ thể, Khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 ( sửa đổi bổ sung năm 2009) có quy định 10 trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố mà không cần phải xin phép, trả tiền cho tác giả:
Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân;
Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình;
Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu;
Trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại;
Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu;
Biểu diễn tác phẩm sân khấu, loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hoá, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào;
Ghi âm, ghi hình trực tiếp buổi biểu diễn để đưa tin thời sự hoặc để giảng dạy;
Chụp ảnh, truyền hình tác phẩm tạo hình, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó;
Chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị;
Nhập khẩu bản sao tác phẩm của người khác để sử dụng riêng.
Những hành vi trên đều là những hành vi sử dụng tác phẩm đã công bố mà đều không vì mục đích thương mại mà vì mục đích phát triển văn hóa xã hội chung, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận tri thức cho người dân. Đồng thời, những hành vi này cũng không gây tổn hại gì đến tác giả, tác phẩm và quyền tác giả với tác phẩm.
Tuy nhiên, để có thể sử dụng tác phẩm mà không cần phải xin phép, trả tiền thù lao thì ngoài những hành vi đã nêu ở trên, người sử dụng còn phải thỏa mãn 2 điều kiện khác
Tác phẩm đã được công bố;
Tôn trọng tác giả và quyền tác giả; việc tác phẩm khi được sử dụng phải được ghi rõ nguồn gốc xuất xứ và thông tin tác giả.
Đối với trường hợp của bạn, bạn cần tìm hiểu, miêu tả chính xác hơn hành vi sử dụng lời thơ của bạn như thế nào, nếu lời thơ của bạn được trích dẫn đầy đủ đi kèm với nguồn gốc xuất xứ, thông tin của bạn (ví dụ: trong tác phẩm X của mình, nhà văn Y có viết “….”) thì đây có thể coi là hành vi “Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình” và người thực hiện hành vi này không phải xin phép hoặc trả tiền cho bạn. Ngược lại, nếu người đó sử dụng lời thơ của bạn mà không tuân thủ đúng những nguyên tắc nêu trên thì tức là người đó đã vi phạm quyền tác giả của bạn, bạn có quyền yêu cầu người đó trả tiền hoặc đính chính công khai,….
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn. Nếu còn vướng mắc, bạn có thể tiếp tục thông tin cho chúng tôi để nhân được giải đáp, hoặc nghe luật sư tư vấn, vui lòng gọi 19006281.
Chúc bạn thành công!
Công ty luật Bảo Chính.
Gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia các vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, thương mại, kinh tế… vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ trên.