Trách nhiệm của công an giao thông khi xử phạt người dân không đúng quy định
27/04/2017 16:20
Xin chào luật sư, mong nhận được sự tư vấn cụ thể của luật sư trong tình huống sau: Lúc về tiện đường hai cô cháu ghé vào thăm người thân đang sinh sống ở xã Mỹ Thắng, huyện Mỹ Lộc. Khi đang đi trên đường đến ngã ba dốc Lốc xã Mỹ Thắng cháu ngoặt, đã xi nhan và đi qua khoảng 2, 3 ngôi nhà trên mặt đường thì tắt xi nhan.
Lúc đó công an giao thông đứng cách chỗ ngoặt khoảng 6, 7 nhà liền vẫy cháu vào và yêu cầu xử phạt cháu với lý do không xi nhan. Cháu không biết khi họ hỏi giấy tờ cháu đã giao hết cho họ. Cháu mang theo đầy đủ giấy tờ đồng thời đã xi nhan do đó khi họ yêu cầu nộp phạt cháu đã không nộp. Cháu cũng nói rõ là bản thân đã xi nhan và mới tắt đi.Không ai lại để xi nhan quá lâu sau khi đi qua chỗ ngoặt rồi. Họ giữ luôn giấy tờ và xe của cháu không trả lại. Cháu gọi điện cho chú cháu người ở vùng đó ra thì họ giảm mức phạt từ 350 000 đồng xuống 150 000 đồng. Lúc đó cháu vẫn nhất quyết không nộp bởi lý do hết sức vô lý này. Chú cháu thấy vậy đã đứng ra nộp phạt rồi nói: "Các anh thông cảm cháu nó không phục khi các anh xử phạt nó". Xin luật sư tư vấn cho cháu biết nếu gặp phải trường hợp này cháu nên ứng xử ra sao? Cháu cần phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình? Về nhà cháu mới xem kỹ lại thì tờ giấy ghi phạt không hề ghi lý do nộp phạt. Khi công an giao thông xử phạt người dân không đúng quy định thì bản thân họ sẽ bị xử lí như thế nào?
Cháu xin cảm ơn luật sư!
ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cám ơn bạn đã gửi thông tin xin tư vấn đến cho chúng tôi.
Về vấn đề bạn còn đang thắc mắc, chúng tôi tư vấn như sau.
Theo những thông tin bạn cung cấp, trên giấy nộp phạt không ghi rõ lỗi phạt mà chỉ ghi số tiền phạt. Theo quy định tại Điều 56 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012:
Điều 56. Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản
1. Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.
Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.
2. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, địa chỉ của cá nhân vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm; địa điểm xảy ra vi phạm; chứng cứ và tình tiết liên quan đến việc giải quyết vi phạm; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định xử phạt; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng. Trường hợp phạt tiền thì trong quyết định phải ghi rõ mức tiền phạt.
Theo đó, trên quyết định xử lý vi phạm hành chính phải ghi rõ hành vi vi phạm, trên quyết định xử phạt của bạn lại không ghi lỗi vi phạm. Như vậy, người CSGT lập quyết định xử phạt nói trên đã làm trái quy định của pháp luật. Bạn có thể khiếu nại hành vi xử phạt nêu trên theo luật khiếu nại 2011.
Căn cứ Điều 13 Luật Tố cáo 2011:
Điều 13. Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong cơ quan hành chính nhà nước
1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp.
2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện và cán bộ, công chức do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp.
3. Người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn trực thuộc cơ quan mình và cán bộ, công chức do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp.
Bạn có thể làm đơn tố cáo, hoặc trực tiếp đến tố cáo đối với người có thẩm quyền. Trong đơn tố cáo phải ghi rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo; nội dung tố cáo. Trong trường hợp bạn đến tố cáo trực tiếp thì người có trách nhiệm tiếp nhận ghi lại nội dung tố cáo, họ, tên, địa chỉ của người tố cáo, có chữ ký của người tố cáo.
Tuy nhiên, khi thực hiện thủ tục này bạn cần phải cung cấp bằng chứng, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo.
Trường hợp của bạn, quyết định xử phạt hành chính không ghi lỗi vi phạm chính một bằng chứng quan trọng. Trong đơn khiếu nại, bạn cũng cần trình bày rõ nội dung vụ việc để việc giải quyết sẽ có cơ sở và việc xác minh làm rõ sẽ được thực hiện dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Trong trường hợp bị ra quyết định xử phạt hành chính mà bạn không đồng ý với lỗi sai dẫn đến quyết định xử phạt thì ở phần ký xác nhận của người vi phạm, bạn có thể ghi rõ, bạn không đồng ý với quyết định xử phạt đó cùng với ý kiến của bạn về vụ việc. Trách nhiệm của người xử phạt bạn là phải chứng minh bạn có lỗi. Khi nhận được quyết định xử phạt, bạn có thể khiếu nại quyết định đó theo thủ tục nêu trên.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp bạn hỏi. Nếu còn vướng mắc bạn có thể hỏi tiếp hoặc nghe luật sư tư vấn khi gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.