Trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính
07/08/2017 14:16
Trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính Gia đình tôi là hộ kinh doanh cá nhân có 2 lao động và có 6 người con nhỏ. Năm 1984 khi đang kinh doanh thì bị chính quyền ập đến khám nhà phạt 5 lần thuế hàng hoá, sau đó tịch thu toàn bộ tài sản hàng hoá. Tôi khởi kiện liên tục đến nay UBND huyện giải quyết bồi thường .
Vậy tôi được hưởng những khoản bồi thường cụ thể nào, và theo điều khoản của luật bồi thường. Xin được giải thích chi tiết về cách tính các khoản bồi thường.
Người gửi: Nguyễn Văn Năm (nambinhs….@gmail.com)
Công ty luật Bảo Chính sẽ tư vấn cho bạn như sau:
Theo thông tin chúng tôi nhận được, gia đình bạn (hộ kinh doanh cá nhân) bị chính quyền ập đến khám nhà và ra quyết định phạt 5 lần thuế hàng hóa và tịch thu toàn bộ tài sản hàng hóa. Qua quá trình khởi kiện đền nay, bạn đã được UBND huyện ra quyết định bồi thường thiệt hại. Căn cứ theo quy định tại Luật trách nhiệm bồi thường thiệt hại của nhà nước năm 2009 thì đây thuộc Trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính tại Khoản 1 và 2 Điều 13 như sau:
“1. Ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
2. Áp dụng biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính;”
Bạn sẽ được bồi thường thiệt hại dựa trên các căn cứ sau:
Điều 45. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm
“1. Trường hợp tài sản đã bị phát mại, bị mất thì thiệt hại được xác định căn cứ vào giá thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật và mức độ hao mòn của tài sản đã bị phát mại, bị mất trên thị trường tại thời điểm giải quyết bồi thường.
2. Trường hợp tài sản bị hư hỏng thì thiệt hại được xác định là chi phí có liên quan theo giá thị trường tại thời điểm giải quyết bồi thường để sửa chữa, khôi phục lại tài sản; nếu tài sản bị hư hỏng không thể sửa chữa, khôi phục thì thiệt hại được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Trường hợp có thiệt hại phát sinh do việc không sử dụng, khai thác tài sản thì thiệt hại được xác định là thu nhập thực tế bị mất. Đối với những tài sản trên thị trường có cho thuê, thu nhập thực tế bị mất được xác định phù hợp với mức giá thuê của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, tính năng, tác dụng và chất lượng tại thời điểm giải quyết bồi thường; đối với những tài sản trên thị trường không có cho thuê, thu nhập thực tế bị mất được xác định trên cơ sở thu nhập do tài sản bị thiệt hại mang lại trong điều kiện bình thường trước thời điểm thiệt hại xảy ra; nếu tài sản bị kê biên được giao cho người bị thiệt hại hoặc người khác quản lý thì chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại về tài sản được xác định là những thiệt hại được bồi thường.
4. Các khoản tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bị tịch thu, thi hành án, khoản tiền đã đặt để bảo đảm tại cơ quan có thẩm quyền được hoàn trả cho người bị thiệt hại hoặc thân nhân của họ; trường hợp khoản tiền đó là khoản vay có lãi thì phải hoàn trả cả khoản lãi hợp pháp; trường hợp khoản tiền đó không phải là khoản vay có lãi thì phải hoàn trả cho người bị thiệt hại hoặc thân nhân của họ cả khoản lãi theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm giải quyết bồi thường.”
Điều 46. Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút
“1. Cá nhân, tổ chức có thu nhập mà xác định được thì được bồi thường theo thu nhập thực tế bị mất.
2. Trường hợp cá nhân có thu nhập thường xuyên nhưng không ổn định thì mức bồi thường được xác định căn cứ vào thu nhập trung bình trong ba tháng liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra.
3. Cá nhân có thu nhập không ổn định và không có cơ sở xác định cụ thể hoặc thu nhập có tính chất thời vụ thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương. Trường hợp không xác định được thu nhập trung bình thì tiền bồi thường được xác định theo mức lương tối thiểu chung đối với cơ quan nhà nước tại thời điểm giải quyết bồi thường (sau đây gọi chung là lương tối thiểu).”
Điều 50. Trả lại tài sản
“Tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu phải được trả lại ngay khi quyết định thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu bị hủy bỏ.”
Trên đây, là quy định về các khoản bồi thường mà bạn có thể được nhận, do bạn không cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa nên chúng tôi không xác định cụ thể được. Dựa trên căn cứ các quy định trên bạn sẽ xem xét những khoản bồi thường phù hợp với bạn.
Trên đây là nội dung tư vấn của công ty Luật Bảo Chính cho câu hỏi về “Trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính ”, cho bạn, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi thông tin về cho chúng tôi để được giải đáp hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn trực tiếp.
Trân trọng!