Thủ tục đối với người bị mất tích
19/12/2016 17:47Thưa luật sư, tôi muốn hỏi luật sư: Chồng tôi là được người thừa kế mảnh đất mà bố mẹ để lại. Nhưng bố chồng tôi đã mất tích từ năm 1993 đến nay. Vì vậy là con dâu tôi muốn làm giấy thông báo mất tích thì có đươc không. Kính mong luật sư giải đáp thắc mắc trên. Xin cảm ơn. (tv132001@...)
Theo thông tin bạn cung cấp thì chồng bạn là người thừa kế mảnh đất, nhưng bố chồng bạn đã mất tích từ năm 1993 đến nay. Để thực hiện thủ tục thừa kế thì chồng bạn phải thực hiện thủ tục khai nhận thừa kế mảnh đất đó nhưng hiện tại vẫn chưa biết bố chồng mình đã chết hay chưa. Do đó, để thực hiện khai nhận thừa kế thì chồng bạn là người phải thực hiện các thủ tục Tuyên bố mất tích và Tuyên bố chết cho bố chồng tại Tòa án có thẩm quyền.
1. Tuyên bố mất tích
Căn cứ vào Điều 78 Bộ luật dân sự 2005 thì Tòa án có thể tuyên bố cá nhân mất tích nếu có các điều kiện sau:
- Từ ngày biết được tin tức cuối cùng của người đó, người có quyền lợi liên quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố người đó mất tích.
- Đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm người vắng mặt theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự đối với người bị yêu cầu tuyên bố mất tích.
- Biệt tích đã 2 năm liền trở lên, không có một tin tức nào về người đó còn sống hay đã chết. Pháp luật không quy định rõ phạm vi không gian cũng như chủ thể về việc nhận biết các tin tức này.
Theo quy định của Bộ luật dân sự và Bộ luật tố tụng dân sự quy định khi người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố một người mất tích thì người đó phải nộp đơn yêu cầu Toà án giải quyết với nội dung như sau:
Ngày, tháng, năm, viết đơn; tên, địa chỉ của người yêu cầu, những vấn đề cụ thể yêu cầu Toà án giải quyết; lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Toà án giải quyết vụ việc dân sự đó; tên địa chỉ những người có lên quan; các thông tin khác mà người yêu cầu thấy cần thiết cần cung cấp; kèm theo là các tài liệu, chứng cứ để chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Kèm theo đơn là các chứng cứ chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố là mất tích đã biệt tích hai năm liền trở lên mà không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết và chứng minh việc người yêu cầu đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo tìm kiếm.
Toà án sẽ xem xét đơn và thụ lý vụ án; trong thời hạn là 20 ngày, kể từ ngày thụ lý, Toà án sẽ ra quyết định thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích trên các phương tiện thông tin đại chúng (thông báo trong 4 tháng kể từ ngày thông báo đầu tiên).
Sau 15 ngày kể từ ngày hết hạn công bố thông báo Tòa án sẽ mở phiên họp xét yêu cầu tuyên bố một người mất tích.
2. Tuyên bố chết:
Căn cứ theo điều 81 của Bộ luật dân sự 2005, điều kiện để tuyên bố một người đã chết là:
a) Sau ba năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Toà án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
b) Biệt tích trong chiến tranh sau năm năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
c) Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau một năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
d) Biệt tích năm năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 78 của Bộ luật này.
Như vậy,với trường hợp của gia đình bạn, trước tiên, chồng bạn cần tới tòa án làm thủ tục tuyên bố mất tích với bố mình sau đó mớ làm thủ thủ tục tuyên bố chết. Sau khi đã có Quyết định của Tòa án tuyên bố chế thì gia đình bạn mới thực hienjethur tục khai nhận thừa kế mảnh đất trên.
Trên đây là nội dung trả lời cho trường hợp của bạn, hy vọng có thể giúp bạn trong quá trình giải quyết việc này. Nếu bạn có bất kỳ vướng mắc nào khác vui lòng Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.