Quy định về việc ký văn bản trong Nghị định về công tác văn thư
04/05/2017 17:36
Thưa luật sư! Em có câu hỏi nhờ luật sư tư vấn giùm ạ. Trong văn bản chỉ đạo của cấp trên chỉ đạo Tổ trưởng tổ công tác liên ngành ban hành quy chế hoạt động của tổ công tác liên ngành. Đơn vị của em là tổ trưởng, do vậy khi ban hành quy chế hoạt động là đứng trên cương vị đơn vị của em ban hành hay là tổ công tác liên ngành ban hành và phần ký kết là TM. TỔ CÔNG TÁC, TỔ TRƯỞNG ký ban hành.
Mong nhận được sớm câu trả lời của luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cám ơn bạn đã gửi thông tin xin tư vấn đế cho chúng tôi.
Về vấn đề bạn còn đang thắc mắc, chúng tôi tư vấn như sau:
Theo quy định tại nghị định số 110/2004/NĐ-CP của Chính phủ : Nghị định về công tác văn thư có quy định:
Điều 10. Ký văn bản
1. Ở cơ quan, tổ chức làm việc theo chế độ thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ký tất cả văn bản của cơ quan, tổ chức. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể giao cho cấp phó của mình ký thay (KT.) các văn bản thuộc các lĩnh vực được phân công phụ trách.
2. Ở cơ quan, tổ chức làm việc chế độ tập thể
a) Đối với những vấn đề quan trọng của cơ quan, tổ chức mà theo quy định của pháp luật hoặc theo điều lệ của tổ chức, phải được thảo luận tập thể và quyết định theo đa số, việc ký văn bản được quy định như sau:
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức thay mặt (TM.) tập thể lãnh đạo ký các văn bản của cơ quan, tổ chức;
Cấp phó của người đứng đầu và các thành viên giữ chức vụ lãnh đạo khác được thay mặt tập thể, ký thay người đứng đầu cơ quan, tổ chức những văn bản theo uỷ quyền của người đứng đầu và những văn bản thuộc các lĩnh vực được phân công phụ trách.
b) Việc ký văn bản về những vấn đề khác được thực hiện như quy định tại khoản 1 của Điều này.
3. Trong trường hợp đặc biệt, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể uỷ quyền cho một cán bộ phụ trách dưới mình một cấp ký thừa uỷ quyền (TUQ.) một số văn bản mà mình phải ký. Việc giao ký thừa uỷ quyền phải được quy định bằng văn bản và giới hạn trong một thời gian nhất định. Người được uỷ quyền không được uỷ quyền lại cho người khác ký.
4. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể giao cho Chánh Văn phòng, Trưởng phòng Hành chính hoặc Trưởng một số đơn vị ký thừa lệnh (TL.) một số loại văn bản. Việc giao ký thừa lệnh phải được quy định cụ thể trong quy chế hoạt động hoặc quy chế công tác văn thư của cơ quan, tổ chức.
5. Khi ký văn bản không dùng bút chì; không dùng mực đỏ hoặc các thứ mực dễ phai.
Theo như thông tin bạn cung cấp và theo quy định của pháp luật thì nếu tổ chức của bạn làm việc theo chế độ thủ trưởng thì bạn có thẩm quyền ký toàn bộ văn bản, còn tổ chức làm việc chế độ tập thể thì trước khi ký phải thảo luận và quyết định theo đa số và hình thức ký thay mặt. Và thêm nữa, trong văn bản chỉ đạo của cấp trên chỉ đạo Tổ trưởng tổ công tác liên ngành ban hành quy chế hoạt động của tổ công tác liên ngành, thì khi bạn ký ban hành thì bạn có thể ký trên cương vị của bạn và ký trực tiếp.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp bạn hỏi. Nếu còn vướng mắc bạn có thể hỏi tiếp hoặc nghe luật sư tư vấn khi gọi 19006281.
Trân trọng.
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.