Nguyên tắc và các trường hợp cụ thể khi xử lý kỷ luật
04/05/2017 14:16
Kính chào luật sư. Xin cho tôi hỏi: khi chúng tôi làm đơn kiến nghị đến các cơ quan ban ngành giải quyết trường hợp mất xe của trường tôi , trong khi đơn chúng tôi chưa viết xong chưa có ngày tháng thì trong trường tôi có người chụp lá đơn đó gửi đến cho trưởng phòng.
Do đó tập thể chúng tôi bị mắng và rồi cuối năm chúng tôi lại bị cắt thi đua. Xin hỏi chúng tôi làm đơn cho dù nôi dung sai sự thật, hình thức làm đơn tập thể như vậy là sai. Đơn chúng tôi chưa hoàn chỉnh, chưa gửi đi.
Vậy luật nào quy định mà trưởng phòng nói chúng tôi đều phải chịu kỷ luật.
Xin tư vấn luật sư. Cảm ơn!
Chào bạn! Công ty Luật Bảo Chính đã nhận được câu hỏi của bạn. Cảm ơn bạn đã quan tâm và gửi câu hỏi tới công ty.
Vấn đề của bạn, Công ty xin giải đáp như sau:
Theo Khoản 1 Điều 2 Luật tố cáo 2011 quy định:
"1. Tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức".
Hành vi bị nghiêm cấm trong tố cáo: trong trường hợp này áp dụng theo Khoản 10 Điều 8 Luật tố cáo 2011:
"10. Cố ý tố cáo sai sự thật; kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; mạo danh người khác để tố cáo".
Nghĩa vụ của người tố cáo tại Khoản 2 Điều 9 Luật tố cáo 2011:
"2. Người tố cáo có các nghĩa vụ sau đây:
a) Nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình;
b) Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được;
c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình;
d) Bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra".
Ta thấy, nếu nội dung tố cáo sai sự thật thì nguời làm đơn tố cáo phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi của mình.
Theo Điều 3 Nghị định 27/2012/NĐ-CP quy định: Nguyên tắc xử lý kỷ luật
"Điều 3. Nguyên tắc xử lý kỷ luật
1. Khách quan, công bằng, nghiêm minh, đúng pháp luật.
2. Mỗi hành vi vi phạm pháp luật chỉ bị xử lý một hình thức kỷ luật. Nếu viên chức có nhiều hành vi vi phạm pháp luật hoặc tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian đang thi hành quyết định kỷ luật thì bị xử lý kỷ luật về từng hành vi vi phạm pháp luật và chịu hình thức kỷ luật năng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng với hành vi vi phạm nặng nhất, trừ trường hợp có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc.
3. Thái độ tiếp thu, sửa chữa và chủ động khắc phục hậu quả của viên chức có hành vi vi phạm pháp luật là yếu tố xem xét tăng nặng hoặc giảm nhẹ khi áp dụng hình thức kỷ luật.
4. Thời gian chưa xem xét xử lý kỷ luật đối với viên chức trong các trường hợp quy định tại Điều 5 Nghị định này không tính vào thời hạn xử lý kỷ luật.
5. Không áp dụng hình thức xử phạt hành chính thay cho hình thức kỷ luật.
6. Cấm mọi hành vi xâm phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm của viên chức trong quá trình xử lý kỷ luật".
Các trường hợp xử lý kỷ luật quy định tại Điều 4 Nghị định 27/2012/NĐ-CP:
"Điều 4. Các trường hợp xử lý kỷ luật
Viên chức bị xử lý kỷ luật khi có hành vi vi phạm pháp luật trong các trường hợp sau:
1. Vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ của viên chức và những việc viên chức không được làm quy định tại Luật viên chức;
2. Vi phạm các nghĩa vụ khác cam kết trong hợp đồng làm việc đã ký kết với đơn vị sự nghiệp công lập;
3. Vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật;
4. Vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội và các quy định khác của pháp luật liên quan đến viên chức nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự".
Tập thể của bạn đã làm đơn kiến nghị đến các cơ quan ban ngành giải quyết trường hợp mất xe của trường. Trong khi đơn chưa viết xong chưa có ngày tháng thì trong trường tôi có người chụp lá đơn đó gửi đến cho trưởng phòng. Do đó tập thể của bạn bị mắng và rồi cuối năm lại bị cắt thi đua. Như vậy không phù hợp với nguyên tắc kỷ luật. Viên chức bị xử lý kỷ luật khi có hành vi vi phạm pháp luật trong các trường hợp luật định như trên.
Hình thức đơn kiến nghị trên cũng chưa đạt yêu cầu pháp luật vì chưa hoàn chỉnh cũng như chưa được gửi đi. Hình thức tố cáo tại Điều 19 Luật tố cáo 2011 quy định:
"Điều 19. Hình thức tố cáo
1. Việc tố cáo được thực hiện bằng đơn tố cáo hoặc tố cáo trực tiếp.
2. Trường hợp tố cáo được thực hiện bằng đơn thì trong đơn tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ, tên, địa chỉ của người tố cáo; nội dung tố cáo. Đơn tố cáo phải do người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo bằng đơn thì trong đơn phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ của từng người tố cáo, có chữ ký hoặc điểm chỉ của những người tố cáo; họ, tên người đại diện cho những người tố cáo để phối hợp khi có yêu cầu của người giải quyết tố cáo.
3. Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo viết đơn tố cáo hoặc người tiếp nhận ghi lại việc tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp nhiều người đến tố cáo trực tiếp thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo cử đại diện để trình bày nội dung tố cáo".
Trường hợp tố cáo được thực hiện bằng đơn thì trong đơn tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ, tên, địa chỉ của người tố cáo; nội dung tố cáo. Đơn tố cáo phải do người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo bằng đơn thì trong đơn phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ của từng người tố cáo, có chữ ký hoặc điểm chỉ của những người tố cáo; họ, tên người đại diện cho những người tố cáo để phối hợp khi có yêu cầu của người giải quyết tố cáo.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp bạn hỏi. Nếu còn vướng mắc bạn có thể hỏi tiếp hoặc nghe luật sư tư vấn khi gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.