Ngày tháng năm sinh trong sổ hộ khẩu khác với giấy khai sinh
10/05/2017 09:21Giấy khai sinh và toàn bộ hồ sơ của tôi sinh ngày 29/3/1968, do sơ xuất trong việc làm hộ khẩu nên ngày, tháng, năm sinh trong hộ khẩu của tôi ghi là 28/3/1968 và theo đó chứng minh thư cũng ghi 28/3/1968. Vậy xin hỏi Luật sư có phải sửa lại ngày không? Xin trân trọng cảm ơn!
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin tư vấn.
Về nội dung bạn đang thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời như sau:
Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.Vì vậy,trường hợp sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân của bạn bị sai thông tin so với giấy khai sinh thì phải làm thủ tục cải chính thông tin trên sổ hộ khẩu và giấy khai sinh.
Khoản 2 Điều 29 Luật cư trú 2006 quy định như sau:
“Trường hợp có thay đổi về họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh hoặc các thay đổi khác về hộ tịch của người có tên trong sổ hộ khẩu thì chủ hộ hoặc người có thay đổi hoặc người được uỷ quyền phải làm thủ tục điều chỉnh. Người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu, giấy khai sinh hoặc quyết định được phép thay đổi của cơ quan có thẩm quyền về đăng ký hộ tịch; nộp phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu”
Như vậy, theo quy định trên, giấy khai sinh và hồ sơ gốc của bạn đều ghi ngày sinh là 29/3/1968, nhưng sổ hộ khẩu của bạn là ghi ngày sinh là 28/3/1968 thì bạn phải thực hiện thủ tục điều chỉnh thông tin trong sổ hộ khẩu.
Trình tự thực hiện thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu như sau: Bạn đến cơ quan công an cấp xã hoặc cơ quan công an cấp xuất trình sổ hộ khẩu, giấy khai sinh; Nộp phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu để làm thủ tục thay đổi thông tin về ngày, tháng, năm sinh trong sổ hộ khẩu.
Sau khi thay đổi sổ hộ khẩu, bạn sử dụng sổ hộ khẩu để thực hiện thủ tục cấp đổi chứng minh nhân dân theo quy định tại Điều 5 Nghị định 05/1999/NĐ-CP :
“Điều 5. Đổi,cấp lại Chứng minh nhân dân
1.Những trường hợp sau đây phải làm thủ tục đổi Chứng minh nhân dân:
a) Chứng minh nhân dân hết thời hạn sử dụng;
b)Chứng minh nhân dân hư hỏng không sử dụng được;
c)Thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh;”
Trình tự thực hiện như sau:
Bạn chuẩn bị hồ sơ xin cấp đổi chứng minh nhân dân gồm:
– Đơn trình bày nêu rõ lý do xin đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân.
– Xuất trình hộ khẩu thường trú;
– Xuất trình giấy khai sinh
– Chụp ảnh;
– In vân tay hai ngón trỏ;
– Khai tờ khai xin cấp Chứng minh nhân dân;
– Nộp lại Chứng minh nhân dân đã hết hạn sử dụng, hư hỏng hoặc có thay đổi nội dung.
Kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ và làm xong thủ tục theo quy định, cơ quan Công an phải làm xong Chứng minh nhân dân cho công dân trong thời gian sớm nhất, thời gian giải quyết việc cấp đổi Chứng minh nhân dân tại thành phố, thị xã là không quá 07 ngày làm việc; tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo, thời gian giải quyết việc cấp Chứng minh nhân dân đối với tất cả các trường hợp là không quá 20 ngày làm việc; các khu vực còn lại thời gian giải quyết việc cấp Chứng minh nhân dân là không quá 15 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn. Nếu còn vướng mắc, bạn có thể tiếp tục thông tin cho chúng tôi để nhân được giải đáp, hoặc nghe luật sư tư vấn, vui lòng gọi 19006281. Chúc bạn thành công!
Công ty luật Bảo Chính.
Gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia các vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, thương mại, kinh tế… vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ trên.