Ngân hàng tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, công an có quyền trục xuất không ?
19/01/2018 15:07Ngân hàng tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, công an có quyền trục xuất không ? Công an có quyền trục xuất bảo vệ ngân hàng không khi ngân hàng thu giữ tài sản đảm bảo theo khoản 1 điều 7 nghị quyết 42 là nhà ở có người cư trú. Chủ nhà có gọi điện cho cs 113. Và chính quyền địa phương đã yêu cầu nv bảo vệ của ngân hàng ra khỏi tài sản. Tôi đã từ chối và đã bị bắt giữ lên phường. Xin hỏi luật sư như vậy cơ quan công an làm đúng hay sai khi tôi đi làm công việc thu giữ tài sản đảm bảo ( nợ xấu của ngân hàng ) khi tôi đi thu giữ thực hiện đầy đủ tất cả thủ tục.
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn. Chúng tôi đã nghiên cứu và xin thông tin tới bạn như sau:
Khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm, mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụbàn giao tài sản thì bên nhận bảo đảm (phía ngân hàng bạn) có quyền xử lý tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, trước khi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên bảo đảm, phía ngân hàng bạn cần công khai thông tin về thời gian, địa điểm thu giữ tài sản bảo đảm, tài sản bảo đảm được thu giữ, lý do thu giữ theo quy định tại khoản 3 điều 7 Nghị quyết số 42/2017/QH14:
“3. Chậm nhất là 15 ngày trước ngày tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm là bất động sản, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu thực hiện công khai thông tin về thời gian, địa điểm thu giữ tài sản bảo đảm, tài sản bảo đảm được thu giữ, lý do thu giữ theo quy định sau đây:
a) Đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử của mình;
b) Gửi văn bản thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan Công an nơi có tài sản bảo đảm;
c) Niêm yết văn bản thông báo tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bên bảo đảm đăng ký địa chỉ theo hợp đồng bảo đảm và trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản bảo đảm;
d) Thông báo cho bên bảo đảm bằng văn bản theo đường bưu điện có bảo đảm đến địa chỉ của bên bảo đảm theo hợp đồng bảo đảm hoặc gửi trực tiếp cho bên bảo đảm.”
Như vậy, nếu như phía ngân hàng bạn đã tiến hành thủ tục thông báo với cơ quan công an thì phía công an không có quyền cản trở bạn thực hiện xử lý tài sản nợ xấu và bắt giữ bạn lên phường.
Tuy nhiên, Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 15/8/2017 nhưng tới nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể. Trong khi đó, một số tổ chức tín dụng tự xây dựng quy chế của mình để áp dụng cho Nghị quyết 42 để tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo gây nên nhiều vụ việc rơi vào cảnh mất an ninh trật tự dẫn đến trường hợp của bạn.
Trên đây là nội dung tư vấn của công ty Luật Bảo Chính cho câu hỏi về “Ngân hàng tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, công an có quyền trục xuất không ?” cho bạn, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi thông tin về cho chúng tôi để được giải đáp hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn trực tiếp.
Trân trọng!